Lãnh đạo TPHCM sẽ đi kiểm tra phòng dịch tại các cơ sở y tế

10/05/2021 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 10/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức buổi họp khẩn dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTBC

Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại Yhành phố là rất lớn. Trong đó, đầu tiên là nguy cơ từ các khu cách ly tập trung trên địa bàn, dễ lây chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng. Do vậy, tại 41 khu cách ly ở khách sạn cùng 350 khu cách ly do quân đội quản lý, 24 khu cách ly tại quận, huyện phải tập trung rà soát, đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ xâm nhập dịch thứ 2 của TPHCM là từ các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn. Đây là nơi tập trung số lượng rất lớn bệnh nhân và thân nhân từ các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, tình trạng nhập cảnh trái phép cũng như lượng người dân trở về thành phố sau dịp lễ, đặc biệt về từ những khu vực đã có ca mắc COVID-19 luôn là nguy cơ hiện hữu đối với Thành phố.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế trên địa bàn đã kích hoạt lại tất cả bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực. Để mở rộng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, 200 tổ COVID-19 cộng đồng đã được thành lập.

Sở Y tế cũng huy động sinh viên các khoa y tế công cộng, sinh viên năm cuối của trường y để sẵn sàng cho tình huống cần lấy mẫu, truy vết trên quy mô lớn. Thành phố cũng sẵn sàng năng lực 15.000 xét nghiệm đơn mỗi ngày và sẽ nâng lên thành 40.000 mẫu đơn mỗi ngày.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, TPHCM đã nâng thời gian cách ly từ 14 lên 21 ngày. Nơi cách ly tại các khách sạn, phải có y tế đến giám sát hằng ngày.

Cũng theo ông Bỉnh, hiện nay, Thành phố có 19.000 tổ, đội COVID-19 với hơn 52.000 thành viên sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng của Thành phố tuyên truyền phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cũng cho biết, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố, Bộ GTVT, Sở đã triển khai ngay các biện pháp. Cụ thể, tất cả phương tiện chở khách yêu cầu giảm 50%, không quá 30 người trên một phương tiện. Tất cả các phương tiện rời bến đều phải khai báo y tế. Theo ông Trần Quang Lâm, tình hình hiện nay không đáng ngại bởi xe khách liên tỉnh, đến TPHCM trung bình là 9 khách/xe, xuất bến thì khoảng 16 khách/xe, xe buýt trung bình 17- 20 khách/xe. Tuy nhiên, Sở GTVT lo ngại về hoạt động xe đưa rước công nhân.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp. Vì thế, Thành phố cần phải tăng cường nhiều biện pháp.

Về đường bộ, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị tái lập các chốt kiểm soát ở các cửa ngõ giao thông. Các quận huyện chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, nhất là TP. Thủ Đức cần phải nâng số giường tại các khu cách ly; các khu công nghiệp - khu chế xuất luôn chuẩn bị phương án có ca nhiễm, nếu không đảm bảo các phương án an toàn thì tạm thời ngừng hoạt động.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chủ động kiểm soát, tuyệt đối không chủ quan, chuẩn bị phương án trong các trường hợp dịch lan rộng. Ngành y tế sẵn sàng các phương án trong mọi tình huống.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý, với những trường hợp kết quả là kiểm tra âm tính, phải tiếp tục theo dõi.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế, các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn, lãnh đạo Thành phố sẽ trực tiếp đi kiểm tra việc phòng dịch ở từng nơi.

Lê Anh

Top