Lao động tự do mưu sinh trong mùa dịch

13/06/2021 3:38 PM

(Chinhphu.vn) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết người dân TPHCM hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, không ít những người lao động tự do những ngày này vẫn phải ra đường mưu sinh.

Vợ chồng cô Tám bên xe súp cua trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình). Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

“Buồn bã, lo âu” là tâm trạng chung của người dân TPHCM trong những ngày này, bởi dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình, nhất là những lao động tự do như bán vé số, hàng rong…

Đứng bên mép đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình), cô Tám không giấu được sự mệt mỏi vì nồi súp cua “ế ẩm”. Từ trước đến nay, mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống của cả hai vợ chồng cô đều phụ thuộc vào xe súp cua nhưng từ ngày dịch bệnh bùng phát, cô chú lo lắng vì không biết lấy tiền đâu để chi tiêu. 

“Hồi trước tôi bán cho học sinh xong đẩy xe vòng vòng là hết nồi súp nhưng giờ đứng cả ngày chẳng có ai mua, dịch nên người ta ở nhà hết, có ai ăn ở ngoài đường đâu”, cô Tám nói.

Hai vợ chồng cô Tám hiện đã trên 60 tuổi và đang thuê trọ sống ở quận Tân Bình.

Chú Thành, làm nghề chạy xe ôm tại Quận 3, cho biết công việc của mình chở khách ngoài đường nên lúc cũng chuẩn bị khẩu trang, thực hiện nghiêm an toàn phòng dịch khi làm việc. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Tại góc đường Trần Quốc Thảo - Võ Thị Sáu (Quận 3), chú Thành tranh thủ thời gian vắng khách mở điện thoại xem tin tức về dịch COVID-19. Hơn 20 năm làm nghề chạy xe ôm, chú nói đây là lần đầu tiên thấy cảnh người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

“Trước đây tôi chạy một ngày được 500.000 - 600.000 đồng nhưng nay eo hẹp lắm, từ sáng đến giờ mới được mấy chục ngàn, do dịch bệnh nên nhiều mối quen cũng ở nhà. Mình đi làm quen rồi, ở nhà buồn tay buồn chân nên ra đây ngồi giết thời gian, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cũng đến lúc xác định sống chung với dịch bệnh”, chú Thành nói.

Không chỉ riêng chú Thành mà nhiều xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch COVID-19.

Chị Hoa, người mua đồng nát tại quận Tân Bình lo lắng vì thu nhập sụt giảm. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Còn với chị Hoa, một người mua phế liệu tại quận Tân Bình, đây là thời điểm khó khăn đối với gia đình chị bởi từ lúc quán hàng đóng cửa, số lượng ve chai chị thu gom sụt giảm hẳn, chồng chị làm tài xế cũng chịu tác động bởi dịch.

“Thật sự rất lo lắng vì tiền kiếm được chẳng bao nhiêu nhưng vẫn phải ăn uống, chi tiêu hằng ngày. Mùa dịch, nhiều người ở nhà để đảm bảo sức khỏe còn mình nghèo nên phải dang nắng cả ngày ngoài đường để kiếm đồng ra đồng vào”, chị Hoa trầm tư nói.

Ngoài những người bán vé số, xe ôm, bán hàng rong… thì công nhân vệ sinh môi trường cũng là đối tượng lao động vất vả trong mùa dịch. Dưới tiết trời oi bức, tiếng chổi vẫn trải đều trên các tuyến đường, ngõ ngách để bảo đảm môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân.

Dưới tiết trời oi ả nhưng những người công nhận vệ sinh môi trường vẫn phải tất bật làm việc. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cầm trên tay mấy hộp cơm vừa được nhóm từ thiện phát, anh Dư (22 tuổi), công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 3 chia sẻ: “Nhiều người đi qua tụi em bịt mũi rồi kéo khẩu trang kín mít, nhiều lúc thấy tủi thân lắm. Do tính chất công việc nên dù dịch bệnh bọn em phải ra đường chứ ai mà không muốn ở nhà tránh dịch”.

Anh Dư cho biết, từ lúc dịch bệnh bùng phát, các quán hàng đóng cửa nên công ty có cắt giảm nhân sự, giờ làm việc. Anh Dư cũng bị trừ tiền công, tuy không đáng kể nhưng cũng ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hằng tháng.

Ngoài công việc vệ sinh môi trường, anh Dư tận dụng thời gian rảnh làm thêm kênh Youtube mang tên “Khám phá và du lịch”, hy vọng sẽ kiếm được tiền trong thời gian tới.

Nguyễn Kim

Top