Liên kết TPHCM và ĐBSCL tạo động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế

17/12/2021 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Diễn đàn Mekong Connect 2021 không chỉ tạo động lực lớn, mang lại hiệu quả phục hồi phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói chung, từng địa phương nói riêng; mà còn mở ra một bước phát triển mới, mở rộng hơn trong liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Sáng ngày 17/12, Diễn đàn “Liên kết phát triển TPHCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long 2021 - Mekong Connect 2021" chính thức khai mạc tại TPHCM. Đây là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nông dân, HTX, nhà quản lý, các chuyên gia trong ngoài nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết luôn đánh giá cao mối liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế của mình, TPHCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành phố ĐBSCL. TPHCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ ĐBSCL; Thành phố đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp, và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường...

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, sự liên kết này lại càng được phát huy chặt chẽ. Các địa phương cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế, nhân lực, thống nhất trong cách ứng xử phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, từ thực tế khách quan và nhu cầu của mỗi địa phương, chúng ta càng nhận ra rằng liên kết cùng phát triển giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. Qua Diễn đàn lần này, TPHCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Xây dựng sản phẩm thương hiệu vùng , thương hiệu quốc gia

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết nền nông nghiệp của chúng ta xưa nay thiên về sản xuất, năng suất, sản lượng, quan tâm nhiều đến kế hoạch đầu vào, chứ chưa chú trọng kết nối đầu ra, tìm kiếm thị trường. Bây giờ, cần phải cung ứng cái thị trường cần, sản lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, tiêu chuẩn ra sao,… Cần bắt đầu từ đầu ra để quyết định đầu vào, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Lê Anh

Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) là người gần gũi thị trường nhất sẽ tường tận nhiều nội dung, thông tin về tiếp cận thị trường. Hiện khoảng 80% nguồn cung cho thị trường TPHCM là từ ĐBSCL. Chính vì vậy, việc liên kết giữa DN TPHCM và các tỉnh, thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Về tư duy liên kết vùng, chúng ta vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác. “TPHCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Chính tôi ngày xưa cũng từng cùng đoàn doanh nghiệp lên TPHCM ký kết hợp tác. Sao mình không hợp tác cả ĐBSCL với TPHCM và miền Đông. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng NN&PTNN Lê Minh Hoan đặt vấn đề.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn vào thực tế, mặc dù việc liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của TPHCM và các tỉnh. Hiện nay, hạ tầng còn thiếu đồng bộ, vẫn còn cạnh tranh địa phương với nhau trong thu hút đầu tư, hợp tác còn riêng lẻ giữa TPHCM và các địa phương. Do đó, cần một quy hoạch vùng mang tính chiến lược, kết nối hạ tầng, giao thông đồng bộ. Liên kết phát triển rộng hơn và có khung hành động chung trong khuôn khổ pháp luật.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, đối với ĐBSCL, trong bối cảnh liên kết với TPHCM, hay liên kết với vùng Đông Nam Bộ, hay với các vùng, miền, lãnh thổ khác, đổi mới sáng tạo mở có thể là 1 giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bản thân Diễn đàn này có thể coi là 1 cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của vùng, từng bước tạo dòng chảy tri thức trong môi trường kinh tế - xã hội của vùng.

Một gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Mekong Connect 2021. Ảnh: VGP/Lê Anh

Cùng với đó, cần thiết phải hình thành thị trường khoa học và công nghệ cho ĐBSCL. Triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp,chuỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng như chuỗi tôm, chuỗi cá tra, chuỗi lúa gạo,….

Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển của vùng trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Lê Anh

Top