In bài viết
Luôn nỗ lực vì khán giả còn thương - Ảnh 1.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh bắt đầu mùa diễn tết đầu tiên với vở mới mang tên “Trái tim oan khuất” - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Đầu tư nhiều hơn cho sân khấu

Trải qua muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, nhìn lại chặng đường nỗ lực của năm 2022, đại diện nhiều sân khấu kịch tại TPHCM thấy may mắn vì vẫn có thể tiếp tục phục vụ người xem. Chính sự thương yêu, ủng hộ của khán giả đã tiếp thêm động lực để các "ông bầu", "bà bầu" mạnh tay đầu tư hàng loạt vở diễn mới dịp tết này.

Năm 2022, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh có sự thay đổi mạnh mẽ khi chuyển từ hình thức biểu diễn định kỳ hằng tuần sang diễn theo mùa. Hiện tại sân khấu kịch này đang thử nghiệm diễn hai mùa: mùa tết và mùa giữa năm với thời gian diễn kéo dài từ hai đến ba tháng tùy lượng khách đến rạp. Chuyển sang hình thức biểu diễn mới, lượng khách không tăng đột biến nhưng tín hiệu tích cực mà Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh liên tục nhận về từ khán giả là những lời khen cho giá trị tác phẩm và sự đầu tư chỉn chu trong mỗi lần xuất hiện.

Xuân Quý Mão là cái tết đầu tiên Hoàng Thái Thanh bắt đầu hình thức diễn mới sau lần thử nghiệm khá thành công vào mùa hè năm ngoái. Tết này, ngoài vở diễn mới "Trái tim oan khuất", Hoàng Thái Thanh phục vụ lại nhiều suất diễn cho các vở quen thuộc như "Rau răm ở lại", "Mùi của hạnh phúc", "Nửa đời ngơ ngác", "Bông hồng cài áo" và "Bạch Hải Đường".

Luôn nỗ lực vì khán giả còn thương - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Ái Như, chủ Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: “Mỗi lần nhìn xuống thấy khán giả dõi theo, tôi lại ngập tràn lòng biết ơn” - Ảnh: VGP/Khởi Minh

"Mỗi lần nhìn xuống thấy khán giả dõi theo, tôi lại ngập tràn lòng biết ơn. Dù Hoàng Thái Thanh chọn dòng kịch khá kén khán giả nhưng may mắn chúng tôi vẫn còn nhiều người thương yêu, mến mộ. Khó khăn thì kể sao cho xuể nhưng đã chọn nghề thì ai cũng muốn theo đến cùng. Tôi mong bản thân có đủ sức khỏe và năng lượng để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn", nghệ sĩ Ái Như, chủ Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho hay.

Bên cạnh các chùm tiểu phẩm hài và kịch tết quen thuộc, đây là năm đầu tiên Sân khấu nhỏ 5B ra mắt kịch tết thiếu nhi sau thời gian dài ấp ủ. "Đại náo Long cung" là vở diễn được đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay của sân khấu này để mang lại những trải nghiệm độc đáo cho khán giả nhí và gia đình trong ngày đầu xuân.

Chọn kịch cổ tích - ca nhạc đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ từ phục trang, bối cảnh sân khấu đến âm thanh, ánh sáng nhưng đưa ra giá vé khá "mềm", NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B cùng ê kíp coi đây là món quà thể hiện lòng biết ơn vì khán giả đã luôn đồng hành cùng kịch nói ngay trong giai đoạn khó khăn nhất.

NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: "Trở lại sau thời gian rất dài chật vật vì dịch COVID-19, chúng tôi tìm mọi cách làm mới sân khấu, làm mới các vở diễn và duy trì lịch diễn mỗi tuần. Điều đáng quý là kinh tế biến động phức tạp nhưng khán giả không bỏ sân khấu. Chúng tôi yêu nghề và luôn nỗ lực "giữ lửa" thông qua việc bền bỉ tìm tòi sáng tạo, lựa chọn kịch bản hay. Mỗi sân khấu một kiểu, mỗi nơi một phong cách để khán giả đến rạp nhiều hơn".

Năm qua ghi nhận sự phát triển ấn tượng của kịch nói TPHCM khi nhiều nơi sáng đèn trở lại và thêm sân khấu mới ra đời. Việc sân khấu Trương Hùng Minh chính thức "chào sân" từ đầu năm 2023 mở ra tín hiệu lạc quan cho lĩnh vực nghệ thuật này sau một giai đoạn trầm nhiều hơn thăng. Sân khấu mới của nghệ sĩ Minh Nhí hoạt động theo tiêu chí phát huy tính thể nghiệm mới trong các tác phẩm kịch nói, ưu tiên cho thể loại kịch mang đậm chất đương đại. Ngoài thể loại bi, hài kịch, chính kịch, sân khấu này còn là nơi tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật khác như cải lương, ca múa nhạc và tập trung vào công tác đào tạo diễn viên trẻ với các khóa học từ cơ bản đến chuyên sâu.

Luôn nỗ lực vì khán giả còn thương - Ảnh 3.

Sân khấu nhỏ 5B tiếp tục sáng đèn với nhiều vở diễn được đầu tư công phu - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Mong được tận hiến cho nghề

Nhớ lại giai đoạn TPHCM oằn mình chống dịch COVID-19, đạo diễn - diễn viên Bảo Chu vẫn thấy xúc động. Thời điểm đó, tất cả sân khấu đóng cửa, hoạt động nghệ thuật "đóng băng", thế nhưng Bảo Chu lại bận hơn ngày thường. Công ty của anh cùng nhau góp tiền mua gạo mỳ, đường sữa và nhu yếu phẩm gửi tặng bà con khó khăn tại các khu vực bị phong tỏa. Trong mấy tháng giãn cách xã hội, đạo diễn Bảo Chu và bạn bè gom tới những đồng tiền cuối cùng để hỗ trợ nơi cần.

Cùng Thành phố trải qua những ngày khó khăn nhất và khởi động lại nhiều dự án nghệ thuật ngay khi dịch bệnh dần được kiểm soát, năm 2022 với Bảo Chu là một cột mốc đáng nhớ với nhiều "trái ngọt" trong nghề. Là nghệ sĩ mạnh dạn thử nghiệm cái mới, đôi lúc Bảo Chu gặp phải một số rào cản từ thị trường. Thế nhưng, anh vẫn muốn tiếp tục tạo nên những bước ngoặt mang dấu ấn riêng trên sân khấu và các dự án nghệ thuật dù là nhỏ nhất.

"Thực sự tôi và nhiều anh em khác rất trân trọng sự đầu tư của các sân khấu trong giai đoạn hiện nay. Nhưng nếu được quan tâm hơn, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm hoành tráng hơn. Là diễn viên, ai trong chúng tôi cũng mong được ngày ngày đứng trên sân khấu. Chúng tôi đến đây không phải chỉ để kiếm tiền mà để được sống với nghề, được khóc, được cười và đem đến cho khán giả những thông điệp sâu sắc nhất qua từng vở diễn", đạo diễn, diễn viên Bảo Chu trải lòng.

Luôn nỗ lực vì khán giả còn thương - Ảnh 4.

Ngoài “Kiếp tằm”, tết năm nay, Sân khấu Sen Việt cũng phối hợp với Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Minh Tơ công diễn vở cải lương “Tô Hiến Thành xử án” - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Đổi mới để thích ứng với cuộc sống hiện đại và mở rộng thị phần khán giả cũng là hướng mà NSƯT Lê Nguyên Đạt đặt ra trong năm 2023 cho Sân khấu Sen Việt. Cải lương thể nghiệm tiếp tục là lĩnh vực được đạo diễn Lê Nguyên Đạt lựa chọn để đến gần hơn với người xem, đặc biệt là giới trẻ, những người luôn mong đợi "làn gió mới" từ các loại hình nghệ thuật truyền thống. Sự thay đổi này được thực hiện ngay trong "Kiếp tằm", vở cải lương thể nghiệm phục vụ khán giả dịp tết này.

Theo đó, thay vì bán vé đại trà như mọi năm, dịp tết năm nay, mỗi suất diễn của "Kiếp tằm" chỉ bán ra cao nhất 50 vé và chỉ diễn đúng ba ngày. Tiết tấu vở diễn sẽ nhanh hơn, mang nhiều hơi thở đương đại và thời lượng buổi diễn cũng rút ngắn còn khoảng 90 phút để khán giả cảm nhận trọn vẹn tác phẩm.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, sân khấu cải lương có nhiều cái khó để duy trì nhịp độ hoạt động trong thời đại ngày nay. Nhưng nếu chịu thay đổi, chịu thích ứng, chắc chắn khán giả sẽ không quay lưng. Giai đoạn tới, "ông bầu" Sân khấu Sen Việt đặt ra tiêu chí các vở cải lương của mình phải vừa mang tính giải trí, vừa mang tính học thuật, đảm bảo tính đương đại và kể câu chuyện cô đọng trong thời lượng vừa phải.

Bên cạnh việc thay đổi quy cách tổ chức, đạo diễn Lê Nguyên Đạt còn mong muốn mở rộng nhóm khán giả mới cho cải lương thể nghiệm. Theo đó, Giám đốc Sân khấu Sen Việt đã có những trao đổi bước đầu với Liên đoàn Lao động TPHCM để kết nối sân khấu cải lương với công nhân, người lao động.

"Sân khấu sẽ được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố chất lượng và sự góp mặt của các ngôi sao. Không còn thụ động đợi khán giả tìm đến mình, từ năm 2023, bên cạnh việc giảm giá vé cho công nhân, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc đưa cải lương đến cơ sở, phục vụ tận nơi theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Chúng tôi sẽ tìm cách gia tăng số lượng khán giả trực tiếp và có sự hỗ trợ về giá sao cho ai cũng có thể tiếp cận sân khấu cải lương", đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết thêm./.

Khởi Minh