Sân khấu kịch tự thân vận động

20/03/2016 9:02 AM

(Chinhphu.vn) - Dù có một mùa tết bội thu khán giả và thành công ngoài mong đợi nhưng đa phần người làm nghề đều không dám nói trước về sự hồi sinh của sân khấu kịch TPHCM bởi vẫn còn đó muôn vàn khó khăn chồng chất. Trong bối cảnh đó, những người làm sân khấu chuyên nghiệp cho đến các nhóm kịch đều đang nỗ lực tự tìm hướng đi, tự cứu chính mình.

Chuồn chuồn giấy - nhóm kịch cổ trang chuyên diễn tại các sân khấu kịch cafe

Mong sân khấu luôn sáng đèn

“Mùa tết vừa qua, thành công của các sân khấu là điều hoàn toàn bất ngờ, các suất diễn đều kín khán giả ngay cả với các sân khấu mới. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của các gameshow trên truyền hình, đặc biệt ở thể loại hài hước cộng với việc mùa phim tết không thắng thế như mọi năm cho thấy khán giả đang quay lại với sân khấu. Tất nhiên, để khẳng định điều này phải trải qua một vài tháng sau tết mới có thể thẩm định được, vở diễn, sân khấu có hút khách hay không” - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho biết.

Những trăn trở của NSND Trần Ngọc Giàu cũng là suy nghĩ của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu kịch Idecaf. Theo ông Tuấn, sau giai đoạn bùng nổ, gameshow truyền hình đang trong tình trạng bão hòa, các gameshow hài cũng rơi vào tình trạng bí đề tài dẫn đến thực tế không thể tránh khỏi là lượng người xem thụt giảm đáng kể. Đó có thể là cơ hội để khán giả tìm đến sân khấu kịch nhiều hơn bởi họ được xem diễn viên diễn xuất trực tiếp. 

Nhưng, với các sân khấu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, câu chuyện sân khấu kịch cafe để sân khấu sáng đèn đều đặn vẫn là bài toán nan giải. Điển hình là trường hợp của nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B sau gần 1 năm (từ tháng 5-2015) đóng cửa chờ sửa chữa, tu bổ lại nhiều hạng mục nhưng chưa biết đến khi nào mới có thể hoạt động trở lại. Khi đặt vấn đề này, NSƯT Mỹ Uyên, Phó giám đốc sân khấu 5B tiết lộ ngắn gọn “chưa có tín hiệu gì”. Trong khi đó, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, cơ sở vật chất của sân khấu 5B đã rất xuống cấp và phải chờ kinh phí từ UBND TPHCM cấp để xây dựng hệ thống thang máy, cải tạo lại sân khấu. “Có thể trong vài tháng nữa mới có kết quả” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ nhưng không khẳng định khi nào sân khấu mới sáng đèn trở lại.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sau khi tốn hàng trăm triệu đồng xây dựng hiện cũng đóng cửa gần 1 năm nay bởi có quá nhiều điểm bất hợp lý không thể đưa vào biểu diễn. Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM vừa được UNBD TP chỉ đạo vào cuộc rà soát, xử lý sai phạm và hiện đang trong quá trình chờ kết quả chính thức. 

Đó là với những sân khấu chuyên nghiệp, với các nhóm kịch cafe mỗi đêm sáng đèn sân khấu dù chỉ có vài chục khán giả cũng là hành trình gian nan. Thái Duy - trưởng nhóm kịch cổ trang Chuồn chuồn giấy cho biết, những ngày mới thành lập, nhóm phải gửi email, liên hệ rất nhiều quán cafe xin được biểu diễn nhưng rút cuộc, chỉ được hai nơi đồng ý. Kẹt về nhân lực, kinh phí đầu tư cho phục trang, đạo cụ mỗi vở diễn tốn kém nên các thành viên trong nhóm vẫn phải đi làm nhiều công việc khác nhau để có thể duy trì hoạt động nhóm. Sau này, khi có thương hiệu từ Vietnam’s Got Talent nhóm mới dần đi vào ổn định và có tích lũy để mở sân khấu nhỏ có sức chứa khoảng 70 chỗ ngồi. Khó khăn về điểm diễn cũng khiến Buffalo với nhiều vở nhạc kịch hấp dẫn: High School Musical, Vũ nữ, Tuyết đỏ, Tuyết Sài Gòn, Tình ca phố... hay mới nhất là Tấm Cám, vì chưa có ngôi nhà riêng nên họ phải liên tục di chuyển địa điểm biểu diễn từ rạp 5B sang rạp Công nhân và mới nhất là nhà hát Bến Thành. 

Tự lực cánh sinh

Các sân khấu kịch tại TPHCM hiện đều đang hoạt động theo mô hình xã hội hóa, lời ăn lỗ chịu chứ không hề có một “bà đỡ” nào. Khi được hỏi về việc Hội sân khấu TPHCM có biện pháp nào hỗ trợ các sân khấu, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, hội không phải cơ quan quản lý nên nếu có vấn đề xảy ra, cách giúp đỡ duy nhất là đề nghị chính quyền quan tâm hơn. Đó cũng là lý do sân khấu 5B đóng cửa gần 1 năm chờ xin kinh phí tu bổ và vẫn đang tiếp tục chờ. Các sân khấu kịch khác để duy trì hoạt động cách duy nhất là phải tự thân vận động từ chuyện thuê mặt bằng, tìm kịch bản, đào tạo diễn viên, tìm kiếm lượng khán giả... cho riêng mình.

Là sân khấu hiếm hoi ở TPHCM vẫn có lượng khán giả tạm gọi là ổn định, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf cho hay, trong năm 2016 này, đầu tư về mặt kịch bản, dàn dựng và diễn viên là những mục tiêu lớn được chú trọng. Ngoài những kịch bản thường kỳ, sân khấu quyết định tái dựng lại một số vở diễn nổi tiếng từ trong quá khứ và vở Tấm Cám là một minh chứng điển hình. Hai vở diễn Mình có quen nhau hông? và Lan và Điệp cũng là hướng đi mở đã được sân khấu Hoàng Thái Thanh triển khai khá thành công trong mùa tết vừa qua. Trong khi đó, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, sân khấu kịch Sao Minh Béo cũng quyết định chuyển hướng sang các tác phẩm tâm lý xã hội pha hài kịch chứ không ưu tiên cho thể loại kinh dị. Các vở cải lương nổi tiếng nhưng được dàn dựng lại với tiết tấu, xung đột nhanh hơn cũng được chú trọng. 

Một trong những yếu tố thu hút khán giả đến với sân khấu kịch sau kịch bản chính là dàn diễn viên. Hiện nay có thể thấy các sân khấu đang nỗ lực rất nhiều trong việc trẻ hóa dàn diễn viên bằng cách tự tổ chức đào tạo, thi tuyển đầu vào... Các diễn viên trẻ, kể cả những người tốt nghiệp chuyên ngành diễn xuất từ các trường văn hóa nghệ thuật đều được bắt đầu từ những vai diễn nhỏ trước khi được giao các vai chính. Sau cặp bài trùng NSƯT Thành Hội - Ái Như, sân khấu Hoàng Thái Thanh có lớp diễn viên mới: Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Ngọc Tưởng... Những Lương Thế Thành, Tường Vi, Mai Phương, Huỳnh Lập... đang là lớp kế cận tài năng của những NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Mỹ Duyên tại sân khấu Idecaf.

Với các sân khấu như: Hồng Vân, Thế giới trẻ, Sao Minh Béo, Trịnh Kim Chi, Buffalo, Hồng Hạc... đều tổ chức các khóa đào tạo diễn viên kịch cho sân khấu của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đào tạo dàn diễn viên trẻ đã khó, giữ họ ở lại với sân khấu còn khó hơn bởi ai cũng biết công sức bỏ ra vô cùng vất vả song thu nhập lại không tương xứng. Một số sân khấu sau các khóa đào tạo có cấp giấy chứng nhận, ký kết hợp đồng với các diễn viên nhưng việc ràng buộc chỉ ở mức độ tương đối.

Những chuyển mình và tín hiệu lạc quan từ mùa tết là bước đà để các sân khấu quyết tâm nhiều hơn trong năm 2016. Nhưng, với những khó khăn đã trở thành cố hữu việc “cứu” sân khấu không thể trong ngày một ngày hai. Nói như NSƯT Trịnh Kim Chi: “Muốn sân khấu đi lên phải có sự hỗ trợ, vào cuộc từ nhiều phía: Sở VH-TT, cơ quan truyền thông và trên hết là những nỗ lực tự thân của mỗi sân khấu. Chúng tôi xác định khi lao vào cuộc chơi này phải cố gắng và gan lỳ đối đầu với hiện tại”.

“Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các vở diễn mang yếu tố văn học nhiều hơn và xác định đây là thời điểm phải đi những bước dài hơn. Đã đến lúc sân khấu cần chủ động thay đổi thị hiếu, định hướng gu thưởng thức cho khán giả” - đạo diễn Ngọc Hùng, sân khấu Thế giới trẻ cho hay. Là sân khấu non trẻ nhất tại TPHCM, sân khấu Trịnh Kim Chi cũng xác định các vở diễn có tính nhân văn và giáo dục cao, mang yếu tố cải lương, hài hước và một số tình tiết về giới tính sẽ là trọng điểm trong năm 2016.

Theo SGGP

Top