SOTB: Nền tảng nhiều ứng dụng cho thành phố thông minh
(Chinhphu.vn) - Không chỉ được kỳ vọng là bước tiến quan trọng của ngành thiết kế vi mạch mà công nghệ SOTB được cho là sẽ đóng vai trò then chốt trong phát triển các ứng dụng cho Đề án Thành phố thông minh của TPHCM bởi khả năng tạo ra những dòng chip công suất thấp có thể tiết kiệm năng lượng. Xây dựng TPHCM theo mô hình quản lý thông minh Như thế nào là 1 thành phố thông minh?
![]() |
Một sản phẩm vi mạch (chip ADC 24 bit) được phát triển bởi ICDREC. |
Vì sao ICDREC chọn SOTB?
Tại nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế gần đây, giới khoa học đều kỳ vọng công nghệ SOTB sẽ là bước tiến quan trọng, là hướng phát triển mới của công nghiệp vi mạch TPHCM. Xa hơn nữa, công nghệ SOTB sẽ đóng một vai trò lịch sử nhất định trong phát triển các ứng dụng cho mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.
Lý giải cho quyết định chọn lựa SOTB là giải pháp công nghệ để sản xuất chip công suất thấp dành cho hàng loạt ứng dụng của Đề án Thành phố thông minh tại hội thảo mới đây ở TPHCM, ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết yêu cầu quan trọng nhất của các giải pháp cho thành phố thông minh hay các ứng dụng Internet of things (IoT) là vấn đề công suất của các thiết bị, “công suất của các con chip tạo nên những thiết bị thông minh này phải rất thấp để giải quyết bài toán năng lượng”! Và công nghệ sản xuất chip công suất thấp SOTB rõ ràng là một chìa khóa quan trọng mà Việt Nam tiếp cận được. Khi kết hợp làm chủ công nghệ SOTB với mạng lưới truyền nhận LoRaWAN, con đường thiết kế các giải pháp cho thành phố thông minh sẽ khả thi hơn nhiều lần.
Cũng theo người đại diện ICDREC, công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch SOTB có những thế mạnh đáng ứng dụng. Nhiều thiết bị và hệ thống IoT yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng rất thấp và SOTB có khả năng làm giảm đáng kể công suất tiêu thụ năng lượng của các vi mạch so với công nghệ truyền thống; giúp đơn giản hóa quy trình chế tạo vi mạch…
Đến gần hơn viễn cảnh thành phố thông minh
Với mạng diện rộng công suất thấp (LoRaWAN) dành cho các thiết bị IoT được vận hành bằng dòng chip mang công nghệ SOTB, ICDREC tin rằng có thể xây dựng được một số giải pháp cho thành phố thông minh như: Hệ thống giám sát rò rỉ nước qua đường ống, hệ thống bãi đỗ xe thông minh, hệ thống đèn đường thông minh hay hệ thống giám sát ô nhiễm không khí. Các bộ cảm biến dùng chip sản xuất trên nền tảng công nghệ SOTB trong LoRaWAN có thể liên lạc với nhau trong khoảng cách lên tới 100 km ở môi trường thuận lợi, 15 km ở môi trường bán nông thôn và hơn 2 km ở môi trường thành thị đông đúc.
Thử tưởng tượng nếu có hệ thống giám sát rò rỉ nước thông minh trên các đường ống của hệ thống cấp nước sạch thì riêng TPHCM mỗi năm đã có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Tương tự, sự hiện hữu của các bãi đỗ xe thông minh để quản lý trạng thái còn chỗ hay đầy của các bãi đỗ xe một cách tối ưu sẽ góp phần giảm kẹt xe đáng kể. Bởi theo thống kê ở các thành phố lớn trên thế giới thì 30% tình trạng kẹt xe là do người lái chạy lòng vòng tìm chỗ đỗ xe. Vì vậy, một bãi đỗ xe thông minh không chỉ nhằm tối ưu việc khai thác và quản lý nhu cầu đậu đỗ xe mà còn có thể góp phần cải thiện tình trạng giao thông ở các khu vực trung tâm, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Hay một hệ thống đèn đường thông minh có thể được điều khiển từ xa sẽ kiểm soát tốt hơn thời gian sử dụng đèn nhằm tối ưu hóa chi phí năng lượng và giảm chi phí bảo trì khi có sự cố vì hệ thống có thể biết được chính xác đèn bị hỏng. Hoặc các hệ thống giám sát ô nhiễm không khí hiện tại với các trạm theo dõi đắt đỏ có thể được thay bằng hệ thống giám sát ô nhiễm không khí chạy trên nền tảng mạng LoRaWAN với các thiết bị sử dụng chip công nghệ SOTB. Khi đó, hệ thống quan trắc mới không chỉ ưu việt hơn hệ thống hiện nay ở việc triển khai trên phạm vi rộng mà còn có thể cung cấp các dữ liệu cần thiết tốt hơn nhằm xác định khu vực ô nhiễm và thực hiện các chương trình cải thiện chất lượng không khí.
Thận trọng khi tiến vào thị trường công nghệ đang bão hòa
Không phải vô lý khi Trung Quốc lập hẳn một chương trình đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 10 năm với mục tiêu vào nhóm dẫn đầu lĩnh vực vi mạch thế giới. Trong đó, có một nguồn kinh phí rất lớn được dành để nhận chuyển giao công nghệ SOTB. Bởi lịch sử chứng minh không ít quốc gia đã giàu lên cả về kinh tế lẫn công nghệ nhờ làm chủ được công nghệ bán dẫn vi mạch và xây dựng thành công nền công nghiệp này như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc …
Tuy nhiên theo GS. TS Đặng Lương Mô, cố vấn cấp cao của ICDREC, một thống kê gần 30 năm qua của nhà nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin Gartner cho thấy thị trường thế giới cho dòng sản phẩm vi mạch đang tăng trưởng chậm dần. Đây là dấu hiệu của một thị trường bán dẫn vi mạch đang đi vào thời kỳ bão hòa.
Trong khi đó, Việt Nam có xuất phát điểm chậm hơn hàng chục năm; hành trang còn chật hẹp về nhiều mặt, cả về khoa học kỹ thuật lẫn nhân lực chất lượng cao; nền kinh tế cũng chưa phát triển tới mức “trung cao” và công nghiệp phụ trợ còn sơ khai. Do đó, chỉ nên đi từng bước vững chắc trong nghiên cứu, nắm bắt công nghệ mới, nắm vững nhu cầu thực tế của thị trường, nhất là các nhu cầu về bảo mật, an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng với số lượng nhỏ và vừa phải, “không nên mạo hiểm vội vã dấn bước vào môi trường cạnh tranh khốc liệt của nền công nghiệp đang bước vào giai đoạn bão hòa của thế giới”, GS Đặng Lương Mô nhấn mạnh.
Phương Hiền