Tăng cường ứng dụng công nghệ tư vấn F0 tại nhà

08/09/2021 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11 của UBND TPHCM về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, TPHCM đã đạt được một số kết quả tích cực.

Họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM chiều 7/9.

Thông tin tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM chiều 7/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo cho biết, trong 15 ngày kiểm soát chặt chẽ giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, tình hình đã có chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, lưu lượng phương tiện lưu thông giảm khoảng 85% so với trước ngày 22/8; các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận người dân ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

Một trong những kết quả và cũng là tín hiệu tích cực trong 15 ngày qua, Thành phố đã đẩy mạnh triển khai hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố. Trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong hai tuần vừa qua, số ca phát hiện của Thành phố tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca.

Tập trung điều trị ở tuyến cơ sở

Thành phố đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong.

Những giải pháp này đã giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà qua tổng đài 1022, ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân COVID-19 để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.

Tăng cường thành lập trạm y tế lưu động, hiện đã nâng lên 471 trạm so với kế hoạch ban đầu 400 trạm.

Tính đến hiện nay, nhân lực tham gia phòng chống dịch tại Thành phố là trên 177.300 người, trong đó Thành phố đã tiếp nhận trên 24.000 người từ các bộ, ngành tăng cường, hỗ trợ.

Lực lượng cán bộ công chức, viên chức Thành phố cũng được tăng cường cho các quận, huyện và TP. Thủ Đức để tham gia công tác phòng chống dịch, với trên 1.300 người.

Công tác chăm lo an sinh xã hội

Đến nay Trung tâm An sinh đã hỗ trợ trên 1,6 triệu túi an sinh xã hội cho người dân. Trong khi đó, Chương trình SOS của Trung tâm an sinh Thành phố cũng đã hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp.

Các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỷ đồng.

Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân để không bỏ sót trường hợp cần hỗ trợ cũng như tránh trùng lặp, không đúng đối tượng.

Trong 15 ngày vừa qua, TPHCM tiếp nhận 909 người lang thang, cơ nhỡ đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. Đã có 164 người nghiện ma túy được đưa vào các cơ sở cai nghiện.

Chuyển từ ưu tiên điều trị, truy vết F0 sang ưu tiên tiêm vaccin

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết sau 5 đợt tiêm chủng, TPHCM đã tiêm chủng cho hơn 6,7 triệu người. Trong đó, mũi 1 là hơn 6,1 triệu người, tương đương 82,25%; mũi 2 là hơn 592.000 người, chiếm 8,2%.

"Từ đây đến 15/9, Sở Y tế đẩy nhanh bao phủ hết mũi 1 cho người còn lại, sẽ tiêm mũi 2 cho người đến thời hạn", ông Nam khẳng định và cho biết nguồn vaccin do Bộ Y tế cung ứng là rất quan trọng.

Theo ông Nam, Bộ Y tế đã cung cấp 1 triệu liều tiêm mũi 2 cho TPHCM và Thành phố đang tổ chức tiêm với tốc độ rất nhanh. Ông Nam nhấn mạnh, trước đây, công tác phòng, chống dịch thì ưu tiên điều trị, truy vết F0 nhưng lần này sẽ là ưu tiên tiêm vaccine để người dân có đủ kháng thể chống lại dịch bệnh và dần từng bước mở cửa, hồi phục nền kinh tế.

Trước tình trạng khan hiếm vaccine như hiện nay, khi tiêm 1 loại vaccine thay thế thì Thành phố cũng như ngành y tế sẽ chọn loại vaccine phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân.

Hiện nay các quận huyện đang tiêm những loại vaccine phù hợp cho người đã tiêm mũi 1. Mục tiêu làm sao cho tỉ lệ người dân được phủ vaccine ở mức tối đa.

Đại diện một trong những địa phương sớm hoàn thành tiêm mũi 1 là quận Phú Nhuận chia sẻ một số kinh nghiệm như triển khai cho dân đăng ký tiêm từ rất sớm, trên nhiều hình thức. Song song với đó, quận đã chủ động tăng cường các đội tiêm, cao điểm có 60 đội. Ngoài hệ thống y tế công lập còn vận động y tế dân lập, mời bác sĩ giỏi phụ trách các đội tiêm cho người có bệnh nền, người cao tuổi để có thể chủ động tiêm mà không phụ thuộc vào bệnh viện.

Huy động hệ thống cơ sở vật chất và nhân lực của các trường học trên địa bàn tổ chức các điểm tiêm. Ngoài hệ thống mời tiêm qua tin nhắn thì quận triển khai nhiều hình thức như thư mời, phiếu tiêm, tin nhắn zalo… Trong thời gian nhanh nhất có thể mời tiêm.

Hiện nay quận sẵn sàng 100% lực lượng tiêm mũi 2, từ ngày 3/9 đến nay có trên 9.500 người đã tiêm mũi 2, tỉ lệ 7,2%. Nếu có đủ nguồn cung thì ngay tuần này quận Phú Nhuận hoàn thành tiêm mũi 2 cho người trên 65 tuổi và đến 15/9 hoàn thành tiêm cho 131.000 người trên 18 tuổi.

Công tác kiểm tra mã QR trong giao thông

Đối việc khai báo y tế qua các chốt chặn đến ngày 6/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay lực lượng công an phát hiện 63 F0 lưu thông trên đường, trong đó 29 trường hợp thuộc diện cấp giấy đi đường, còn lại là các trường hợp khác như khám chữa bệnh, tiêm ngừa, shipper,  trong số 63 F0 có 10 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, 17 trường hợp F0 đang cách ly tập trung, còn lại là đang cách ly tại nhà.

Tính đến 18h ngày 6/9, có 259.055 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố.

Băng Tâm

Top