Thí điểm cấp lý lịch tư pháp qua bưu điện

03/09/2015 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến trên địa bàn thành phố.

Người dân thực hiện thủ tục làm hồ sơ lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TPHCM. Ảnh: VGP/Phương Dy

Nhu cầu cấp thiết

Ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 1/2015 và sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp thì UBND TPHCM nhanh chóng có kế hoạch triển khai thực hiện đề án này.

Thực hiện đề án sẽ rất có lợi cho các thành phố trung ương, do áp lực ngày càng lớn về tăng dân số và quản lý nhân khẩu. TPHCM kỳ vọng những cải cách trong quy trình thực hiện LLTP sẽ đáp ứng tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, cũng như giảm việc phải xin lỗi do hồ sơ trễ hẹn với người dân.

Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng một phương thức mới trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu LLTP, qua đó tạo điều kiện để người dân có thêm lựa chọn khi có yêu cầu. Trên cơ sở thí điểm đề án, TPHCM cũng nhắm đến khả năng nhân rộng áp dụng mô hình đối với các thủ tục hành chính khác.

Theo ông Tất Thành Cang, việc tuyên truyền, giới thiệu đề án được giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp thực hiện cùng Sở TTTT TP trong thời gian từ 2015 – 2017. Riêng cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ để thực hiện đề án được yêu cầu thực hiện trong quý III năm nay.

Hiện nay, Sở Tư pháp TPHCM đang nghiên cứu giải pháp ứng dụng CNTT trong việc phối hợp tra cứu, xác minh thông tin LLTP để cấp Phiếu LLTP. Trong đó, việc trang bị, nâng cấp đường truyền mạng sẽ được nghiên cứu để tối ưu hóa khâu cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện, cũng như đăng ký Phiếu LLTP trực tuyến.

Đối với công tác nhân sự, Sở Tư pháp TP cũng đã cử công chức trực tiếp thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu LLTP đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Dự kiến, việc thực hiện thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính sẽ được triển khai bắt đầu từ quý III năm nay. Trong khi đó, việc thí điểm đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến sẽ được Sở Tư pháp và Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phối hợp triển khai.

Xin lỗi nếu trễ hẹn

Báo Điện tử Chính phủ từng có bài viết về mô hình “kiềng 3 chân” trong giải quyết các hồ sơ trễ hẹn về LLTP của Sở Tư pháp TPHCM trong tháng 8 vừa qua.

Theo ông Hồng Văn Hải, Trưởng  Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp TPHCM, mô hình “kiềng 3 chân” mục tiêu là cải thiện tình trạng hồ sơ trễ hẹn với dân, vốn là “điểm nghẽn” gây bức xúc lâu nay.

Trước đây hồ sơ LLTP được Sở chuyển cho cơ quan Công an TP tiến hành xác minh, tra cứu. Nếu là ở thành phố thì không sao, nhưng nếu hồ sơ LLTP tại địa phương khác thì Công an TP sẽ thực hiện thêm khâu chuyển cho Công an cùng cấp tại địa phương đó. Sau đó, Công an TP chờ kết quả xác minh từ công an tỉnh/thành khác gửi về, mới có thể gửi lại kết quả cuối cùng cho cơ quan Tư pháp.

Cũng theo ông Hải, có 4 nhóm đối tượng thường xuyên bị trễ hẹn hồ sơ, gồm: công dân việt nam đã ở nhiều tỉnh/thành khác, sau đó đến cư trú tại TPHCM; người nước ngoài đang cư trú tại thành phố; người từng đi bộ đội ở các đơn vị ở các tỉnh/thành khác; du học sinh ở nước ngoài. Trong đó, có nhiều trường hợp đến 45 ngày mới có kết quả.

“Chúng tôi có kiến nghị với trung ương rằng, đối với TPHCM - nơi có đến 55.000 hồ sơ hành chính (cả nước là 180.000 hồ sơ, thống kê 2013) thì nên chăng trung ương cho TPHCM cơ chế riêng để giải tỏa lượng hồ sơ tồn đọng, cũng như trễ hẹn với dân”, ông Hải nói.

Ngay sau khi trung ương đồng ý cho triển khai mô hình này thì TPHCM đã giảm hồ sơ trễ hẹn với dân xuống còn khoảng 1%. Hiện nay, mô hình “kiềng 3 chân” giúp giải quyết hồ sơ LLTP cho đối tượng ở tỉnh/thành khác từ 20 ngày hoặc hơn trước đây giảm chỉ còn 7 - 10 ngày, trong đó thực tế hồ sơ tại Sở Tư pháp thì chỉ giải quyết mất 3 ngày, sau đó chuyển thẳng ra trung ương.

Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, đối với các hồ sơ LLTP trễ hẹn thì dù bất cứ lý do nào thì Sở Tư pháp TP đều chủ động thực hiện xin lỗi người dân theo đúng nghị quyết của Chính phủ về thư xin lỗi người dân. “Khi hồ sơ trễ hẹn, chúng tôi công khai xin lỗi dân. Theo đó, cách thứ nhất là có thư xin lỗi, và cách thứ hai là nhắn tin thông báo hồ sơ trễ hẹn cho người dân. Chúng tôi thấy rằng cách gửi tin nhắn thông báo trễ hẹn cho người dân là vừa tiết kiệm được chi phí nhiều hơn và nhanh hơn so với là gửi văn bản qua đường bưu điện”.

Cũng theo bà Thuận, để các thư xin lỗi người dân không bị rơi vào sáo rỗng, hình thức thì phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức từ chính các Sở ngành, thậm chí là của ngay những cán bộ tiếp nhận, xử lý trực tiếp hồ sơ cho dân, cho tới những lãnh đạo về công việc này.

Phương Dy

Top