TPHCM chi tiền tỷ gắn định vị các nguồn phóng xạ
(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo TPHCM yêu cầu các cơ quan chức năng phải đến những đơn bị có nguồn phóng xạ để gắn các thiết bị định vị. Khẩn trương truy tìm nguồn phóng xạ bị mất
Thiết bị chụp ảnh xuyên thấu (NTD) có nguồn phóng xạ Iridium - 192 của của Công ty Apave bị thất lạc |
Tại cuộc họp khẩn triển khai các giải pháp quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn cho thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn TPHCM diễn ra chiều 7/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã yêu cầu Sở KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC-ĐH Quốc gia TPHCM) ngay trong ngày 8/4 phải đến những đơn bị có nguồn phóng xạ để gắn các thiết bị định vị.
Hệ thống định vị phóng xạ được chuẩn bị là sản phẩm do ICDREC phát triển và hoàn thiện. Kinh phí để lắp đặt các thiết bị này vào khoảng 2 tỷ đồng.
TPHCM đã từng xảy ra mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân dùng trong công nghiệp của Công ty TNHH Apave - châu Á-Thái Bình Dương (Chi nhánh TPHCM) vào ngày 15/9/2014.
Sau 4 ngày tìm kiếm đã phát hiện thiết bị này ở khu vực đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Ngay sau vụ mất cắp này, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với ICDREC nghiên cứu vào lắp đặt thiết bị định vị vào những nguồn phóng xạ này. Tuy nhiên, việc lắp đặt vẫn chưa được thực hiện, dù các điều kiện về kỹ thuật và phần mềm đã được chuẩn bị xong.
Hiện TPHCM có hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ, trong đó có 124 thiết bị phóng xạ di động (thường xuyên di chuyển trong quá trình sử dụng). Tuy nhiên cơ quan quản lý chỉ nắm được số lượng và các đơn vị có nguồn phóng xạ, còn việc kiểm soát, bảo vệ những thiết bị này gần như đều giao phó cho những nơi này tự triển khai, do đó khả năng bị mất trộm, thất lạc là rất lớn.
Ngày 1/4, Nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có đơn trình báo cơ quan chức năng về việc bị thất lạc nguồn phóng xạ.
Nguồn phóng xạ bị mất là loại Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) do Công ty Thép Pomina nhập về từ năm 2010 dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3, trong tổng số 5 dây chuyền của Nhà máy. Nhà máy đã áp dụng nhiều hình thức tìm kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn phóng xạ bị thất lạc này. |
TH