TPHCM chính thức triển khai chính quyền đô thị

02/07/2021 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Kể từ 1/7, khi chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TPHCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường. Nhiều nội dung công tác cũng có sự thay đổi nhằm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng.

Thực tiễn từ 7 năm thí điểm

Nhìn lại giai đoạn 2009 - 2016 khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, công tác tiếp công dân tại Phường 7, Quận 3 do Chủ tịch phường và một cán bộ công chứng phụ trách, với lịch tiếp dân định kỳ. Cán bộ UBND thay HĐND phường tiếp nhận giải quyết các ý kiến của người dân. Trong khi trước đó, việc tiếp công dân duy trì cả ở HĐND và UBND phường. Khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể được phát huy tối đa thông qua các kỳ họp và các hoạt động giám sát. Tiếng nói của người dân được chuyển đến Đảng uỷ, chính quyền phường.

Nhìn lại cách làm của TPHCM trong 7 năm thí điểm, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố cho rằng đã có những băn khoăn khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì vai trò giám sát của các tổ chức hành pháp, tư pháp yếu đi. Nhưng thực tế vai trò đó càng được nâng lên ở HĐND Thành phố. Trong HĐND Thành phố đã phân công các tổ đại biểu nhân dân ở các địa bàn. Song song với đó, chúng ta có đại biểu Quốc hội, có các tổ chức chính trị, xã hội. Các tổ chức này đã thể hiện sự phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Chủ tịch UBND quận, phường phải đối thoại định kỳ với dân

Theo Nghị quyết 131 và Nghị định 33/2021 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 131, để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của dân, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ…

Để bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường, các kết luận, quyết định của UBND quận, phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của quận, phường.

Chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư và tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND, UBND cấp trên. Việc này thể hiện tính công khai minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu.

Không tổ chức HĐND quận, phường, tiết kiệm 1.200 tỷ đồng

Theo quy định tại Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7.

Thời gian qua, TPHCM đã từng bước chuẩn bị kỹ càng và bắt tay triển khai ngay mô hình này khi các quy định kể trên có hiệu lực.

Thực tế từ 7 năm thí điểm, TPHCM đánh giá, việc không thực hiện HĐND quận, huyện, phường mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại TPHCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Chính quyền địa phương ở phường, quận chỉ còn UBND. Các Văn phòng HĐND -  UBND quận, phường đổi tên thành Văn phòng UBND kể từ 1/7.

Các nhân sự dôi dư khi không còn tổ chức HĐND quận, phường đều đã được bố trí công tác khác phù hợp chuyên môn và nguyện vọng. Theo đúng kế hoạch, việc này đã hoàn thành trước ngày 1/7.

Không chỉ tiết kiệm ngân sách, với mô hình tổ chức chính quyền đô thị mới, một mô hình quản trị đô thị phù hợp, TS. Trần Du Lịch kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lí. Chính vì vậy sẽ khai thác được tính năng động sáng tạo của Thành phố, tạo động lực về thể chế, quản trị theo đơn vị hành chính để Thành phố phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Chủ tịch UBND TPHCM bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 16 quận

Một trong số những nội dung chính và mới rất quan trọng liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, là thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với UBND TPHCM.

Công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thành phố thuộc TPHCM, do quận, thành phố quản lý, sử dụng. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định, thay vì HĐND quận bầu và Chủ tịch UBND TPHCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.

Thực hiện quy định này, ngày 30/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận trên địa bàn TPHCM, gồm 14 Chủ tịch UBND quận và 47 Phó Chủ tịch UBND quận. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7.

Băng Tâm

Top