Ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” từng được Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu nhân rộng giờ ra sao?

22/07/2020 6:03 PM

(Chinhphu.vn) - Ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” - một phần mềm được coi là sáng kiến nổi bật trong cải cách hành chính của quận Bình Thạnh, từng được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu nhân rộng hiện hoạt động không được như mong đợi của người dân trên địa bàn. Chủ tịch TPHCM yêu cầu nhân rộng mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”

Sau nhiều lần phản hồi trên phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”, tuyến đường Hoàng Hoa Thám (Phường 7) vẫn bị chiếm dụng. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” trên thiết bị di động thông minh được UBND quận Bình Thạnh triển khai thử nghiệm từ tháng 4/2017. Đây là phần mềm nhằm hỗ trợ người dân gửi các phản ánh, đóng góp ý kiến cũng như theo dõi, giám sát kết quả xử lý những phản ánh, góp ý của mình đối với các hành vi vi phạm về trật tự đô thị như: Xả rác, đổ nước thải; lấn chiếm lòng lề đường; xây dựng không phép…

Sau khi nâng cấp, phần mềm có đầy đủ các hạng mục như: Nộp hồ sơ qua mạng, an ninh trật tự, tin tức và sự kiện… để phục vụ việc tra cứu, tiếp cận thông tin của người dân.

Phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” khi đưa vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, việc áp dụng khoa học công nghệ đã giúp gắn kết mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Phần mềm này hoạt động theo phương thức: Có phản ánh sẽ có kết quả xử lý.

Ngay sau khi quận Bình Thạnh ra mắt ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung đã có văn bản đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông có biện pháp nâng cấp, mở rộng ứng dụng từ mô hình "Bình Thạnh trực tuyến" thành ứng dụng "TPHCM trực tuyến" dùng chung cho cả TPHCM.

Đến đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận - huyện đẩy mạnh nhân rộng, áp dụng các mô hình sáng kiến, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của nhiều người dân, phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” dường như bị tê liệt, nhiều thắc mắc, phản hồi của người dân không hề được thông báo kết quả. Tình trạng phản hồi trong vô vọng khiến không ít người dân bức xúc, mất tin tưởng vào cách vận hành phần mềm của UBND quận Bình Thạnh.

Nhằm tìm hiểu kỹ vấn đề trên, ngày 14/7, phóng viên đã tải phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” trên ứng dụng CH Play để sử dụng.

Sau khi phản ánh về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Phường 7, quận Bình Thạnh. Phần mềm thông báo: Thông tin đã được gửi tới cơ quan chức năng thành công. Thông tin này sẽ được phản hồi cho quý ông/bà trong vòng 4 giờ làm việc. Phản ánh sẽ xử lý trong vòng 2 ngày làm việc.

Tuy nhiên, đến nay đã một tuần nhưng phóng viên vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào về vấn đề đã phản ánh. Tương tự, phóng viên đã sử dụng một tài khoản khác để phản ánh về hành vi vi phạm trên nhưng khá bất ngờ vì sau nhiều ngày vẫn không nhận được bất cứ thông báo nào từ phần mềm.

Phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” ghi nhận thông tin những không hề phản hồi kết quả cho người dân.

Theo thống kê, đến ngày 17/7/2020, phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” đã tiếp nhận hơn 22.000 lượt phản ánh. Đáng nói, phần mềm hiển thị con số các trường hợp đã xử lý, đang xử lý hoàn toàn trùng khớp với số lượng phản ánh tiếp nhận. Vậy những phản ánh không được hồi đáp đã được xử lý như thế nào?

Tại TPHCM, “Bình Thạnh trực tuyến” là một trong những phần mềm được khởi xướng đầu tiên nhưng thực tế có thể thấy, phần mềm chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian đầu chứ chưa thực sự trở thành diễn đàn thường xuyên giữa chính quyền và nhân dân.

Phải chăng do quá tải hay một lý do nào đó mà phần mềm này bị tê liệt như vậy? Thiết nghĩ UBND quận Bình Thạnh cần sớm đưa ra giải pháp vận hành phù hợp để phần mềm tiếp tục hoạt động, giúp người dân giải quyết các thắc mắc, phản ánh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công việc, đời sống cho bà con nhân dân.

Phần mềm hiển thị con số các trường hợp đã xử lý, đang xử lý hoàn toàn trùng khớp với số lượng phản ánh tiếp nhận.

Thời gian vừa qua, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận Bình Thạnh diễn biến ngày một phức tạp khiến người dân, người tham gia giao thông vô cùng bức xúc. Tại nhiều tuyến đường như: Hoàng Hoa Thám (Phường 7), Đinh Tiên Hoàng (Phường 3), Nguyễn Hữu Cảnh (Phường 19 và 22)… nhiều diện tích vỉa hè, lòng đường đã bị chiếm dụng để buôn bán hàng rong, đậu xe… gây nên tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Trên thực tế, không chỉ có phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” mà phần mềm “Quận 3 trực tuyến”, “Tân Bình trực tuyến”… cũng rơi vào tình trạng tương tự, mọi thông tin, phản ánh của người dân không hề được phản hồi tích cực như thời gian đầu.

Nguyễn Kim

Top