‘Ai ở đâu thì yên đó, nếu khó khăn thì liên hệ với Ban tương tế’

03/08/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ cho người dân địa phương mình đang sinh sống tại TPHCM và các tỉnh phía nam. Với nhiều hình thức khác nhau, các địa phương mong muốn người dân quê nhà sớm ổn định tình hình, hợp tác cùng chính quyền địa phương chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại TPHCM Nguyễn Đình Thắng trao quà của người dân Thanh Hóa hỗ trợ đồng bào TPHCM chống dịch COVID-19.

Phát huy vai trò mạng lưới hội đồng hương

Khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban liên lạc (BLL) Hội đồng hương tỉnh Ninh Thuận tại TPHCM đã kịp thời mở đợt vận động chăm lo cho người Ninh Thuận tại TPHCM. Trên các hội nhóm của Hội đồng hương tỉnh Ninh Thuận cập nhật thông tin để người dân cần giúp đỡ có nơi liên lạc. Chỉ sau  5 ngày, các 'mạnh thường quân' đã đóng góp gần 170 triệu đồng qua đầu mối BLL Hội đồng hương để mua nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn.

“Ngay khi chúng tôi phát đi thông tin nắm tình hình người dân cần hỗ trợ thì mỗi ngày nhận về cả nghìn cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó có nhiều người Chăm đang ở các vùng phong toả tại TPHCM và công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai. Những trường hợp như vậy rất cần hỗ trợ về nhu yếu phẩm để họ yên tâm ở lại TPHCM trong thời điểm giãn cách xã hội”, bà Nguyễn Thị Quý An, Phó BLL Hội đồng hương tỉnh Ninh Thuận tại TPHCM cho biết.

Theo bà Quý An, rất nhiều người trong các khu vực phong toả không tiếp cận được lương thực, họ gọi đến nói rõ “chúng tôi không nhận tiền, xin hỗ trợ thực phẩm”. Nhiều trường hợp từ Ninh Thuận vào TPHCM chữa bệnh dài ngày, khi xuất viện đúng thời điểm giãn cách xã hội và bị kẹt lại. “Mấy chục trường hợp cầu cứu vì không có xe về quê, ở lại cũng không thuê được nhà trọ. Chúng tôi vận động các hội viên trong BLL đang kinh doanh nhà trọ và nhiều chủ trọ đã đón đồng hương của mình về ở miễn phí”. Bà Quý An chia sẻ, có trường hợp may mắn hơn khi BLL kết nối được một chuyến xe cứu thương từ TPHCM đi Khánh Hoà chở miễn phí về Ninh Thuận.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đã chuyển vào 500 phần quà thông qua BLL Hội đồng hương để chăm lo cho những trường hợp gặp khó khăn.

Bà Quý An cho biết trong tình hình hiện nay để hỗ trợ đúng đối tượng thì rất cần kết nối mạng lưới hội đồng hương từng huyện, xã để xác minh thông tin người dân: “Ví dụ một người gọi cho chúng tôi xin hỗ trợ thực phẩm, họ nói quê ở khu vực ngã Ba Công Thành, thì BLL kết nối với hội viên ở gần khu vực đó kiểm chứng thông tin. Đối soát thông tin chính xác là lập tức chuyển tiền hỗ trợ”.

Cũng phát huy vai trò mạng lưới hội đồng hương các huyện, ngay từ khi TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, hội đồng hương huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình tại TPHCM thành lập một Ban tương tế, kêu gọi bà con chấp hành các quy định phòng dịch, “ai ở đâu thì yên đó, nếu khó khăn thì liên hệ với Ban tương tế”.

Ngay trước thời điểm TPHCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các thành viên Ban Tương tế thuộc BCH Hội đồng hương huyện Lệ Thủy đã tỏa ra các quận, huyện để kịp tiếp tế thực phẩm và hỗ trợ tiền cho bà con đồng hương. Khoảng 250 hộ được hỗ trợ thương thực, thực phẩm ngay trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên.

Hội đồng hương Quảng Bình trao quà cho công nhân tại các khu nhà trọ. Ảnh do Hội đồng hương cung cấp.

Thiết lập hàng chục đường dây nóng

Ông Trần Thường, BLL Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TPHCM cho biết, Chương trình của Hội đồng hương huyện Lệ Thuỷ đã tạo tính lan toả trong mạng lưới Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TPHCM và được tỉnh Quảng Bình khen ngợi, cổ vũ. Tỉnh cũng kêu gọi người dân tại TPHCM và các tỉnh phía nam ổn định tình hình, không tự ý rời khỏi nơi cư trú, chờ tiêm vaccine để các địa phương thuận lợi phòng, chống dịch; hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho người dân tỉnh nhà có hoàn cảnh khó khăn đang mưu sinh tại TPHCM và các tỉnh phía nam.

Tỉnh Quảng Bình đã thiết lập đường dây nóng qua hai kênh: Số điện thoại 18008073 và email hotrodonghuong@quangbinh.gov.vn để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ bà con khi có yêu cầu. Trong ba ngày các cổng đã tiếp nhận hơn 15.000 lượt đề nghị hỗ trợ của người dân Quảng Bình tại các tỉnh phía nam.

Để hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn, tỉnh Quảng Bình lọc thông tin theo địa phương và chuyển về các huyện sau đó rà theo từng xã xác nhận và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Cùng với chính sách hỗ trợ cho người dân từ chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ các huyện, xã góp rau, củ, gạo, trứng, ủng hộ các tỉnh miền Nam hàng chục tấn nông sản.

Thanh Hoá cũng là một trong những địa phương đầu tiên ủng hộ nông sản cho TPHCM và các tỉnh phía nam trong đợt dịch lần này. Để động viên con em tỉnh nhà đang sinh sống tại các tỉnh phía nam, tỉnh Thanh Hoá cũng đã trích 5 tỷ đồng, thông qua Hội đồng hương Thanh Hóa tại TPHCM để hỗ trợ các gia đình khó khăn với mức 1 triệu đồng/hộ gia đình, để phần nào giúp người dân tỉnh nhà giảm bớt khó khăn, yên tâm ở lại Thành phố.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại TPHCM cho biết, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Hội đã vận động những người con Thanh Hoá trên cả nước cùng nhau đóng góp, đến nay đã có hơn 2 tỷ đồng để tổ chức chăm lo cho người dân tỉnh nhà tại các tỉnh phía Nam.

Ban đầu theo kế hoạch Hội đồng hương rà soát danh sách hỗ trợ khoảng 2.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn trở về quê. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên các hoạt động này tạm thời ngưng cho đến khi có hướng dẫn mới.

Hội đồng hương tỉnh Thanh Hoá đang thiết lập ứng dụng tiếp nhận thông tin cùng với 50 đường dây nóng tiếp nhận đề nghị hỗ trợ, không phân biệt bất cứ địa phương nào. Những dữ liệu này sẽ được công khai để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào muốn hỗ trợ có thể thực hiện.

“Chúng tôi phân thành hai nhóm: Thiếu ăn và khó khăn về chỗ ở. Như vậy mình không chỉ hỗ trợ họ nhu yếu phẩm mà còn hỗ trợ họ tiền thuê nhà”, ông Thắng nhận định.

Đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức vận chuyển bằng đường biển 62 container lương thực, thực phẩm cùng với số tiền 500 triệu đồng hỗ trợ nhân dân TPHCM thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM. Ông Thắng cho biết, chuyến tàu thứ hai cũng đang trên đường vào TPHCM mang theo 430 tấn lương thực, thực phẩm. Hội đồng hương Thanh Hoá tại TPHCM sẽ tiếp nhận và tặng cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Chúng tôi mong muốn tấm lòng của người dân Thanh Hoá sẽ san sẻ với người dân các tỉnh phía Nam chứ không chỉ riêng với con em tỉnh nhà”, ông Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Đào Xuân Thống, Trưởng ban Liên bạc Hội đồng hương tỉnh Quảng Trị tại TPHCM cho biết, từ kinh phí của MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị và vận động đóng góp các 'mạnh thường quân', Hội đã tổ chức chăm lo khoảng 3.000 trường hợp với mức hỗ trợ 300.000 đồng/người.

Qua các cổng tiếp nhận, đã có hơn 3.000 đơn gửi về Ban liên lạc và số lượng vẫn còn tăng. Để động viên, hỗ trợ người dân ảnh hưởng dịch COVID-19, Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Quảng Trị đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ kịp thời với mức đề nghị hỗ trợ là 1 triệu đồng/hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh phía nam.

Tính đến ngày 1/8, TPHCM đã tiếp nhận gần 40 tỷ đồng và gần 300.000 tấn hàng hoá từ các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp sức cho TPHCM trong cuộc chiến chống dịch.

Băng Tâm

Top