Cải tạo sông, kênh rạch ở TPHCM: Khó khăn nhất là gì?

10/09/2019 4:19 PM

(Chinhphu.vn) - Chỗ ở ổn định, kế sinh nhai cho người dân hay bài toán hiệu quả kinh tế của chủ đầu tư… là những vấn đề mà TPHCM cần giải quyết để có thể hoàn thành mục tiêu cải tạo hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn. TPHCM muốn hoàn thành kè sông và kênh nội thành vào năm 2025 Chỉnh trang đô thị cần đảm bảo chất lượng sống của người dân
Do TPHCM chưa có quy hoạch tổng thể để quản lý không gian dọc các bờ sông và kênh, rạch nên đã xảy ra tình trạng công trình xây dựng lấn chiếm bờ sông và kênh, rạch… mà đên nay Thành phố chưa có giải pháp xử lý. Ảnh: VGP/Thu Lê

Mới cải tạo được hơn 1% kênh rạch

Hệ thống sông ngòi, kênh rạch tại TPHCM có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Thành phố, vừa là nét đặc trưng về cảnh quan tự nhiên, đóng góp vào hình thái không gian đô thị, vừa là hệ thống giao thông thúc đẩy giao thương hàng hoá, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch và cải thiện điều kiện khí hậu, vệ sinh môi trường.

Với tổng chiều dài hơn 5.000 km kênh rạch, sông ngòi, TPHCM có những ưu thế nhất định để phát triển một đô thị xanh - đẹp - hiện đại - bền vững.

Tuy nhiên, trong tổng diện tích 2.095 km2 của TPHCM, có tới 1.331 km2 có độ cao dưới 1,5 m so với mực nước biển. Địa hình thấp, Thành phố đang chịu tác động trực tiếp từ thủy triều biển Đông, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.

Những năm gần đây, tình trạng ngập của TPHCM diễn ra ngày càng nghiêm trọng, số điểm ngập đã tăng từ 680 trong 7 năm 2003-2009 lên 1.250 trong 7 năm tiếp theo 2010-2016. “Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống ngập nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn, khi cứ xoá được điểm ngập này thì lại xuất hiện điểm ngập mới”, Ths. KTS. Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM cho biết.

Cụ thể, tới nay, Thành phố mới xây dựng được 4.176/6.000 km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60,3/5.075 km kênh rạch (hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn…  nên vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán chống ngập.

Phổ biến tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng kết cấu hạ tầng giao thông thuỷ của TPHCM chưa phát huy được tiềm năng vốn có. Nhiều công trình vượt sông được xây dựng từ lâu có khẩu độ không bảo đảm, ảnh hưởng đến quá trình khai thác, vận tải đường thuỷ như: Cầu đường sắt Bình Lợi, các cầu Rạch Đỉa, Rạch Tôm, Rạch Dơi, Long Kiểng, đập Nam Lý…

Đặc biệt, tình trạng nhà chống cọc của người dân trên hầu hết các kênh, rạch đã làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn trong nạo vét, cải tạo lòng sông, kênh đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khai thác vận tải đường thủy.

Cùng với đó là những thách thức từ biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hoá nhanh chóng và tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm, trái phép bờ sông, kênh rạch cũng đã khiến hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Thành phố đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nước biển xâm lấn, sạt lở, sụt lún.

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, cuối năm 2018, cả tuyến sông Sài Gòn có 84 dự án đầu tư xây dựng thì có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông. Gần một nửa trong số đó đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ, nhưng đến tháng 4/2019, nhiều chủ đầu tư vẫn không thực hiện với lý do các căn biệt thự đã được sang tay nhiều đời chủ.

“Tình trạng lấn chiếm sông rạch nêu trên ngoài do công tác quản lý đô thị ‘có vấn đề’, còn một phần xuất phát từ thiếu vắng một đề án quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành nhằm bảo đảm về thống nhất tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông, kênh rạch”, Ths. KTS. Ngô Anh Vũ nhận định.

Giải pháp để hoàn thành kè sông Sài Gòn và sông, kênh rạch vào năm 2025

Theo KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, đối với cải tạo hệ thống sông, kênh rạch, việc khó khăn nhất vẫn là đền bù giải toả. “Người dân cần chỗ ở ổn định, có kế sinh nhai, con cái học hành thuận tiện. Chủ đầu tư cần giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế. Vì vậy, Nhà nước phải có các chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”.

Còn theo Ths. Lưu Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, để tháo gỡ khó khăn hiện nay, cũng như giải quyết sự thiếu hụt vốn đầu tư, giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần phải mạnh dạn xã hội hoá và kêu gọi đầu tư từ thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.

Theo đó, các nhà đầu tư phải thực sự có năng lực, cũng như chính quyền, người dân phải chấp nhận thay đổi. Đi kèm với đó là các chính sách bảo đảm quyền lợi, lợi ích cho nhà đầu tư, đủ để họ vượt qua những rủi ro trong đầu tư, đem lại hiệu quả thiết thực cho mình và cho xã hội. “Đó chính là nguyên tắc cuộc chơi”, ông Lưu Văn Tấn khẳng định.

Đến từ Hội Quy hoạch và phát triển TPHCM, TS. KS. Võ Kim Cương cho rằng, song song với việc kè bờ kênh, rạch chống xói lở, cần quy hoạch và xem xét khai thác quỹ đất trong hành lang như thế nào để hiệu quả nhất, tuy nhiên không nên quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà nên quan tâm hơn đến môi trường đô thị và cảnh quan sông nước của Thành phố.

Và nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hành lang sông kênh rạch cần bám sát quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng phân khu vực theo các phương án chống ngập và giao thông thuỷ để có kế hoạch và phương án thiết kế kè hiệu quả nhất.

Cùng chung quan điểm cần phải phát huy hơn nữa lợi thế của hệ thống sông nước vào việc nâng cao đời sống người dân, TS. KTS. Lê Văn Năm, Nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, cần chú trọng thiết kế cho không gian sông nước hài hoà với thiết kế chung của từng khu vực đô thị. Đồng thời, do các trục sông rạch là những không gian công cộng lý tưởng nên các phương án thiết kế cần tăng cường kết nối, nâng cao khả năng tiếp cận của cư dân, tạo không gian đô thị sinh động và an toàn. Các trục đường dọc theo các tuyến sông, rạch cần bảo đảm kết nối liên tục.

Có thể nói, với 39 tuyến kênh, rạch, nhưng hiện mới chỉ có Kênh Tân Hoá - Lò Gốm, Kênh Tẻ, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được chỉnh trang, còn lại hầu hết chưa được cải tạo, kè bờ. Cùng với đó, hệ thống các bến thuỷ đến nay vẫn chưa được đầu tư nhiều, đồng bộ đã khiến thế mạnh về sông và kênh, rạch của TPHCM vẫn chưa được khai thác đúng với tiềm năng, chưa thể phục vụ cho sự phát triển du lịch, giao thông, kinh tế của Thành phố. Đặc biệt, cộng đồng dân cư cũng không có nhiều cơ hội tiếp cận không gian tươi đẹp của một đô thị sông nước.

Thu Lê

Top