Công ty Huê Phong trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc gần 53 tỷ đồng

26/05/2020 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Đến nay, công ty Huê Phong đã chi trả trợ cấp cho gần 2.300 lao động phải nghỉ việc số tiền gần 53 tỉ đồng. Thực hư Công ty Giày da Huê Phong phá sản vì dịch Covid-19?

Từ chỗ có gần 10.000 lao động, hiện công ty Huê Phong cắt giảm chỉ còn trên 2.300 người. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Chị Nguyễn Tú Trinh, một công nhân vừa bị mất việc ngày 16/5 cho biết đã nhận đủ tiền trợ cấp thôi việc và hưởng nguyên lương đến hết 15/6/2020. Bằng lòng với cách giải quyết chế độ của công ty, chị Trinh chia sẻ sẽ quay lại làm việc khi công ty ổn định. “Em đã nhận hơn 12 triệu đồng trợ cấp mất việc. Trước khi bọn em bị cắt hợp đồng thì bộ phận nhân sự công ty xuống từng chuyền nói chuyện với công nhân về lý do tại sao phải ngưng việc. Họ nói do ảnh hưởng dịch Covid-19, không nhập được nguyên liệu, hàng cũ thì không xuất được. Em cũng thấy xót cho công ty vì mình làm ở đây chục năm rồi, chế độ đầy đủ, nghỉ cũng tiếc. Em nộp hồ sơ một số công ty quanh đây nhưng họ nói bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa tuyển nên em xin phụ quán café”, chị Trinh chia sẻ.

Chị Trinh là một trong số trên 2.200 công nhân của công ty Huê Phong vừa bị ngưng việc làm vào ngày 16/5 vừa qua. Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Nhân sự công ty Huê Phong khẳng định việc chấm dứt hợp đồng với hàng ngàn lao động như thời gian qua không phải vì công ty giải thể, do sản xuất khó khăn nên công ty thu hẹp quy mô và buộc phải cắt giảm lao động.

Cụ thể, ngay từ tháng 2/2020 Công ty Huê Phong bị hủy hợp đồng do đối tác bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Công ty đã cố gắng duy trì sản xuất đến hết tháng 4/2020 nhưng hàng sản xuất ra không xuất được, kho hết nguyên liệu do gián đoạn nguồn cung. Đến ngày 11/5, Huê Phong đã báo cáo tình và kế hoạch thu hẹp sản xuất lên cơ quan chức năng, đến ngày 16/5 thì ngưng việc với 2.222 công nhân, vẫn trả nguyên lương và đóng bảo hiểm xã hội cho số lao động trên đến hết 15/6/2020.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, do không xác định được tình hình khó khăn kéo dài đến thời điểm nào nên trước mắt sẽ còn cắt giảm lao động ở từng bộ phận. “Theo tiến độ sản xuất nếu không có đơn hàng về thì sẽ giảm thêm khoảng 500 công nhân. Đơn hàng chủ yếu là giày nữ xuất qua Mỹ, EU, mà bên mình phụ thuộc vào khách hàng truyền thống ở các thị trường này nên đang chờ trả lời của đối tác. Đồng thời bộ phận nghiệp vụ của công ty đang tìm kiếm thị trường mới nhưng chưa khả thi lắm” ông Hưng chia sẻ và cho biết thêm, khi hoạt động sản xuất ổn định trở lại thì công ty sẽ ưu tiên tuyển dụng những lao động phải ngưng việc thời gian này.

Ông Hưng khẳng định đây là khó khăn ngoài dự tính do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, việc thu hẹp quy mô sản xuất ở Công ty Huê Phong không phải từ sau dịch Covid-19. Vì ở giai đoạn cao điểm, công ty này có gần 10 ngàn lao động, đến thời điểm hiện tại còn trên 2.300 lao động.

Về kế hoạch tiếp tục cắt giảm lao động của công ty Huê Phong, hiện chưa có báo cáo về Liên đoàn Lao động quận. Đối với trên 2.200 lao động vừa bị ngưng việc, Liên đoàn Lao động đã kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, tìm việc làm mới cho người lao động.

“Về chế độ chính sách, chúng tôi đã tìm hiểu trực tiếp từ công nhân, thấy rằng công ty đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ trợ cấp thôi việc. Ngay khi nhận được báo cáo Công ty Huê Phong, chúng tôi đã gọi cho các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc trên địa bàn để kết nối việc làm cho số lao động bị chấm dứt hợp đồng. Công nhân ngưng việc ngày 16/5 thì ngày 18/5 các doanh nghiệp tiến hành phỏng vấn tuyển dụng với số lao động trên”, bà Yến cho hay.

Tuy nhiên, thời điểm này rất khó tìm việc mới do các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn sau dịch Covid-19. “Rất khó, họ đang làm giày da, chuyển đổi sang nghề khác sẽ biến động. Ngay cả khi kết nối với doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực giày da như PouYuen, Lạc Tỷ thì chính các doanh nghiệp cho biết không mở rộng sản xuất ở thời điểm này, thậm chí cũng phải cắt giảm lao động. Cho nên mất việc ở thời điểm này sẽ khó tìm việc làm mới, và có tìm được việc thay thế thì các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ thiệt thòi so với công ty cũ. Phải xác định tình hình thực tế như vậy”, bà Yến khẳng định.

Điều đáng mừng, theo bà Yến là vụ việc cắt giảm hàng ngàn lao động ở công ty Huê Phong chưa xảy ra tranh chấp lao động. “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào về tranh chấp lao động, mặc dù công ty Huê Phong chấm dứt hợp đồng với trên 2.200 người. Phương án sử dụng lao động của công ty đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật, và cơ bản là giải quyết thỏa đáng quyền lợi nên người lao động cũng chấp nhận thực tế và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” bà Yến phân tích.

Được biết, công ty Huê Phong đã chi trả chế độ trợ cấp mất việc cho những công nhân làm việc trước năm 2008, chốt sổ BHXH để người lao động thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền chi trả trợ cấp cho gần 2.300 lao động là gần 53 tỉ đồng.

Băng Tâm

Top