Chính quyền đô thị: Tinh gọn, tiết kiệm, không làm xáo trộn đời sống người dân

27/10/2020 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - Đề án chính quyền đô thị của TPHCM đưa ra mô hình tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn hơn, tiết kiệm ngân sách và sẽ không làm xáo trộn đời sống của người dân. Xây dựng TP. Thủ Đức để tạo bước đột phá, làm hạt nhân tăng trưởng Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM
Người dân Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức bỏ phiếu về việc thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tinh giảm bộ máy, giảm tầng nấc trung gian

Mô hình chính quyền đô thị được TPHCM đề xuất hướng tới tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của bộ máy hành chính nhà nước.

Theo đó, hợp phần quan trọng nhất của Đề án là nội dung không tổ chức HĐND quận, phường. Như vậy khi Đề án được thông qua, TPHCM không tổ chức HĐND tại 19 quận và 259 phường trên địa bàn.

Riêng trường hợp thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức thì vẫn tổ chức cấp chính quyền gồm HĐND và UBND.

Đối với 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi), Đề án được trình Quốc hội sẽ giữ nguyên mô hình như hiện nay.

Trước đó, năm 2016, khi tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường tại TPHCM làm tăng số biên chế toàn Thành phố khoảng 8.300 người, nếu không tổ chức HĐND thì số biên chế, người hưởng lương này sẽ không còn.

Ngoài nội dung không tổ chức HĐND quận, phường, Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị TPHCM còn có hai đề án hợp phần khác. Đó là đề án thành lập một số thành phố trực thuộc Thành phố trên địa bàn. Hiện TPHCM đang trình Trung ương đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội chấp thuận thông qua bằng Nghị quyết 54 năm 2017 về Cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM.

Thời điểm chín muồi

TPHCM đã quyết tâm thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị suốt 13 năm qua, do cơ sở pháp lý từng thời điểm chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai.

Năm 2007, TPHCM trình Đề án này lên Quốc hội xem xét nhưng thời điểm đó có những quy định chưa phù hợp nên chưa được thông qua, cụ thể, Hiến pháp chưa có quy định mô hình thành phố trong thành phố.

Đến năm 2013, Thành phố tiếp tục trình Quốc hội nhưng cũng chưa được thông qua bởi lúc này Hiến pháp sửa đổi quy định cấp chính quyền phải có HĐND, UBND. Nghĩa là các cấp chính quyền ở mọi đơn vị hành chính phải tổ chức HĐND và UBND.

Hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định rất rõ, cho phép có thể không tổ chức HĐND cấp quận, phường nếu được Quốc hội đồng ý.

TPHCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của TPHCM là thực sự cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Thành phố.

Nếu không thông qua được trong kỳ họp này thì Thành phố phải đợi thêm 5 năm nữa mới có thể trình lại.

Không xáo trộn đến đời sống người dân

Thực hiện Đề án chính quyền đô thị, về cơ bản không xáo trộn đến hoạt động, sinh hoạt của người dân. Chỉ thay đổi về tổ chức chính quyền, không còn HĐND quận, phường.

Khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của Khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Ủy ban nhân dân các phường tăng cường công tác giao ban với Trưởng khu phố; Ủy ban nhân dân quận giao ban với Ủy ban nhân dân phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.

Ngoài ra, hiện nay các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TPHCM đang triển khai ứng dụng CNTT trong giải quyết các vấn đề dịch vụ công. Do vậy người dân Thành phố hiện có thể phản ánh trực tiếp qua nhiều ứng dụng, như trên điện thoại thông minh và chính quyền tiếp nhận, xử lý ngay.

Như vậy, kết hợp giữa tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể, của Mặt trận, các tổ chức giám sát của Đảng để công khai giám sát quyền lực và gắn với ứng dụng CNTT để chính quyền tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị của nhân dân.

Sắp xếp hiệu quả biên chế dôi dư

Khi được Quốc hội thông qua, nhiệm vụ của HĐND quận, phường sẽ chuyển sang HĐND Thành phố, UBND Thành phố, UBND quận, phường. Những công việc có liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội sẽ được bố trí chuyển sang các tổ chức khác cho phù hợp, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan sẽ tiếp nhận. Như vậy có những bộ phận sẽ gánh thêm nhiệm vụ. Đây là bắt buộc khi thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy, không muốn cũng phải làm. Do vậy khi Đề án được thông qua, Thành phố sẽ phải quán triệt, làm công tác tư tưởng với cả những người nghỉ, người điều chuyển công việc, người ở lại nhận thêm việc.

Đại biểu HĐND quận, huyện, phường chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm, nên việc tổ chức, bố trí lại công việc cho các đại biểu không gặp khó khăn. Với một số cán bộ lãnh đạo HĐND chuyên trách, Thành phố và các quận tổ chức sắp xếp vào vị trí công tác khác, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ. Với những cán bộ không thể sắp xếp lại theo đúng nguyện vọng thì phải tổ chức giải quyết theo cơ chế tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Với TPHCM, khi áp dụng tinh giản biên chế, ngoài cơ chế chính sách của Trung ương về chế độ cho cán bộ tinh giản thì TPHCM có nghị quyết riêng về thêm một lần trợ cấp để tạo điều kiện cho cán bộ tìm công việc mới.

Băng Tâm

Top