Hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chỉ ở mức hoàn thành

17/12/2020 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều ngành nghề đang đứng trước nguy cơ lụi tàn nhưng cũng phát triển những nghề mới. Với TPHCM, quá trình phát triển đòi hỏi Thành phố phải có đội ngũ lao động có trình độ, có tay nghề kỹ thuật là yêu cầu sống còn và phải dự báo được nhu cầu nhân lực. Đây là thách thức với công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.

Trưởng phòng Giáo dục trung học Lê Duy Tân: Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cần chú ý tăng cường thêm hoạt động hướng nghiệp trong chương trình. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng hoạt động hướng nghiệp trong các trường trên địa bàn hiện mới chỉ hoàn thành theo khung chương trình, còn cứng nhắc và chưa hiệu quả.

Nhu cầu phát triển của TPHCM ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có tay nghề, nghĩa là cần nhiều “thợ có chuyên môn”. Đây là nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp. Hiện nay công tác hướng nghiệp trong các trường THCS và THPT được triển khai dưới hình thức như nào, thưa ông?

Ông Lê Duy Tân: Hướng nghiệp là một nhiệm vụ rất quan trọng của các nhà trường ở bậc THCS và bậc THPT. Trong khi đó, TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước, một thành phố năng động, nên việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố càng quan trọng.

Ngành giáo dục đào tạo Thành phố cũng ý thức được nhiệm vụ này. Vì xã hội ngày nay, nghề nghiệp trong tương lai biến động rất nhiều, có những nghề bây giờ chúng ta nhìn thấy nhưng tương lai có thể mất đi, ngược lại có những nghề mới ra đời do nhu cầu phát triển của xã hội. Đây là thách thức lớn cho công tác hướng nghiệp.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình hướng nghiệp rất đầy đủ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo quyết định 16 và bây giờ các trường vẫn đang áp dụng. Thực tế các nhà trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp theo kế hoạch, mỗi tháng có 3 tiết cho hoạt động hướng nghiệp.

Tuy nhiên việc giao thực hiện chương trình như vậy còn cứng nhắc. Các trường chủ yếu giao cho giáo viên chủ nhiệm, hoặc lồng ghép trong giờ học của giáo viên bộ môn, đặc biệt là các môn công nghệ. Một số trường sáng tạo hơn khi phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp các quận, huyện xây dựng các chương trình, phần mềm, chuyên đề hướng nghiệp. Cách làm như vậy rất tốt nhưng không nhiều.

Ngược lại, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành yêu cầu rất nhiều về kiến thức, về kiểm tra, thi cử do vậy các trường với kinh phí hiện có thì chỉ thực hiện ở mức hoàn thành công tác hướng nghiệp.

Như ông nói hoạt động hướng nghiệp từ trước đến nay cứng nhắc và chưa thực sự được quan tâm đầu tư. Vậy ngành giáo dục đào tạo Thành phố có giải pháp gì để cải thiện vấn đề này?

Ông Lê Duy Tân: Trước thực tế đòi hỏi của xã hội, sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo giao cho các trường phổ thông chủ động xây dựng các chương trình, ngoài các quy định thì các trường được phép xây dựng các kế hoạch dạy học, nhất là hướng nghiệp để giúp các em học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận các hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là sớm trang kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai. Chính vì thế Thành phố tăng cường hoạt động trải nghiệm, trong đó kết hợp với nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động hướng nghiệp.

Có nhiều doanh nghiệp chúng tôi rất muốn đưa học sinh đến thăm quan trải nghiệm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hỗ trợ vì họ ngại xáo trộn. Chúng tôi tập trung sang hướng tiếp cận thứ hai, chúng tôi muốn doanh nghiệp tham gia tạo ra không gian hướng nghiệp, trải nghiệm, có thể chủ động tiếp cận nghề nghiệp phục vụ giáo dục, để các em có những hiểu biết bước đầu về nghề.

Sở GD&ĐT ký kết ghi nhớ với Công viên Phần mềm Quang Trung, tại đó bố trí những trung tâm như STEM, có những khu vực cho không gian khởi nghiệp. Nhưng phải có sự ủng hộ của cha mẹ học sinh nữa, vì khi đổi mới như vậy cần có nguồn kinh phí từ phía người học. Khi đó các nhà trường có thể thực hiện chủ trương theo hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT, cởi trói cho các trường không dạy xơ cứng máy móc theo chương trình vốn cũ kỹ không còn phù hợp.

Nhà trường phối hợp với các đơn vị triển khai những nội dung như mới như vậy, chúng tôi đánh giá ban đầu khá tốt, tạo được sự hứng thú cho học sinh trong hoạt động hướng nghiệp.

Có thể nhân rộng cách làm này không thưa ông?

Ông Lê Duy Tân: Hướng nghiệp không thể làm đơn lẻ từ phía ngành giáo dục, phải có sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thấy được chiến lược của mình từ đó yêu cầu nhân lực như thế nào, đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề. Việc đặt hàng này giúp các trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.

Cũng phải thừa nhận là Sở GD&ĐT Thành phố chưa tổ chức được những hội nghị mang tính mời gọi doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp chủ động giới thiệu và chúng tôi góp ý đưa ra những mô hình phù hợp. Chúng tôi chưa có điều kiện để thực hiện những hoạt động như thế.

Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần có chủ trương và làm việc liên bộ, có những ghi nhớ, ký kết để các hiệp hội tiếp cận một cách chính quy. Vì hiện nay việc đáp ứng thời gian cho chương trình giảng dạy, hoàn thành thi cử là nhiệm vụ chính của ngành giáo dục và còn nặng nề. Phải hoàn thành nhiệm vụ chính thì mới phát triển thêm những nhiệm vụ khác.

Hướng nghiệp cho học sinh càng làm sớm càng tốt, có thể từ bậc mầm non. Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, tôi cho rằng cần chú ý tăng cường thêm hoạt động hướng nghiệp trong chương trình. Từ đó nguồn kinh phí đầu tư nhà nước mới hiệu quả, những lĩnh vực nào khó khăn trong nguồn vốn nhà nước thì mạnh dạn thiết kế cho phép các trường kêu gọi xã hội hóa. Riêng về phía Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục để họ chủ động làm công tác hướng nghiệp bằng nguồn kinh phí hiệu quả nhất.

Nếu chúng ta không có đầu tư đồng bộ, không có chính sách tốt để giải quyết những bất cập thì một cấp cơ sở là trường học hay thầy cô không thể xoay xở quá khung mình được phép. Và cuối cùng hơn cả là việc quyết định hướng nghiệp, học nghề lại ở vai trò của cha mẹ học sinh, phụ huynh phải nhìn thấy hiệu quả thực tế thì mới quyết định cho con em mình theo học.

Xin cảm ơn ông!

Băng Tâm (thực hiện)

Top