Khu công nghệ cao TPHCM: 15 năm trưởng thành và lan tỏa

27/10/2017 1:28 PM

(Chinhphu.vn) - Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã tạo được sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghệ cao không chỉ cho khu vực phía nam mà còn cho cả nước. Đóng góp của SHTP ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2020 sẽ chiếm khoảng 10% GRDP của TPHCM.

Khu Công nghệ cao TPHCM

15 năm nhìn lại

Từ năm 1993, Thành ủy TPHCM đã có chủ trương tổ chức khảo sát các khu công nghệ cao ở Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Mỹ, Đông Nam Á để tìm hiểu kinh nghiệm hình thành, phát triển cũng như phát động các hội thảo khoa học để giới chuyên gia kinh tế và khoa học công nghệ trao đổi rộng rãi về tính khả thi của đề án.

Sau khi Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) ra đời vào năm 1998 thì Khu công nghệ cao TPHCM cũng được thành lập vào tháng 10/2002, với mục tiêu hàng đầu là tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài về công nghệ cao, xây dựng cơ sở liên kết sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển giao khuếch tán công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Không những thế, SHTP còn đảm nhiệm vai trò liên kết viện nghiên cứu-đại học-DN với các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước để cùng nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất, ươm tạo các doanh nghiệp (DN) công nghệ cao.

Từ bước khởi đầu chỉ thu hút được hơn 20,2 triệu USD vào năm 2003, thành phần chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, đến năm 2017 dự kiến thu hút vốn đầu tư vào SHTP sẽ đạt gần 790 triệu USD. Nâng tổng số vốn đầu tư lũy kế vào đây lên mức gần 6,9 tỷ USD. Đặc biệt, quá nửa số vốn này thuộc về các nhà đầu tư trong nước.

Tính đến cuối tháng 9, Khu công nghệ cao TPHCM có 127 dự án đầu tư còn hiệu lực.

Những thành quả đáng ghi nhận

Trải qua 15 năm, thành tích thu hút đầu tư của SHTP đang rất khả quan cả về lượng và chất. Giá trị sản lượng sản xuất hằng năm của các DN tăng trưởng đều đặn (Năm 2010 đạt 0,5 tỷ USD; Năm 2011 đạt 1 tỷ USD; Năm 2012 đạt trên 2 tỷ USD… Năm 2015: 4,6 tỷ USD; Năm 2016: 7,6 tỷ USD).

Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của SHTP trên tổng giá trị xuất khẩu của TPHCM tăng dần. Từ mức tương đương 9,17% vào năm 2010, đến năm 2016 đã đạt gần 30% tổng giá trị xuất khẩu khu vực FDI của TPHCM.

Trước năm 2011, phần giá trị gia tăng trong cấu thành giá trị sản xuất tạo ra tại SHTP chỉ đạt xấp xỉ như ở các khu công nghiệp khác trên cả nước, bình quân khoảng 10–12%. Tuy nhiên hiện nay, giá trị gia tăng trung bình của các sản phẩm sản xuất tại SHTP đã ở mức 28%. Một số DN thậm chí có sản phẩm đạt giá trị gia tăng trên 35% (Nanogen, FPT, Datalogic...).

Đóng góp của SHTP cho kinh tế địa phương và cả nước ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2020 sẽ đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.

Tất nhiên, bên cạnh những thành quả ban đầu, vẫn còn có những hạn chế nhất định. Hiện nay, hiệu quả sử dụng đất tính trên giá trị sản tại SHTP còn thấp so với các khu công nghệ cao tương tự ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Vì vậy SHTP đặt mục tiêu nâng hiệu quả sử dụng đất từ 13,8 triệu USD/ha/năm lên mức 20 triệu USD/ha/năm trong 3 năm tới, vượt gấp 5 lần chỉ số bình quân tại các khu công nghiệp hiện nay.

SHTP hiện chỉ mới cạnh tranh bằng lợi thế vị trí và ưu đãi từ các chính sách tài chính như thuế, giá đất. Do vậy vẫn còn nhiều nội dung cần cải thiện trong thời gian tới như sự hài lòng về công tác quản trị, về dịch vụ cung cấp…

Ngoài ra, theo nhận xét của GS.TS. Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP, chiến lược thu hút đầu tư của SHTP bước đầu là các tập đoàn, DN công nghệ cao trên thế giới. Về sau là hướng đến nâng cao năng lực nội sinh của DN Việt Nam. Tuy nhiên hiệu quả nhận chuyển giao công nghệ từ các DN FDI còn thấp.

Số DN nhỏ và vừa chiếm phần lớn, nhưng khó khăn của các DN này vẫn là vốn, công nghệ, khả năng kết nối, và quan trọng là chưa nhận thức được hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) mới là cốt lõi cho năng lực cạnh tranh. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2014-2017 cho thấy DN Việt Nam chỉ chi 1,6% cho R&D - mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Cần thêm cơ sở pháp lý, hạ tầng và chính sách khuyến khích

Theo Trưởng Ban Quản lý SHTP, để mô hình khu công nghệ cao này có thể thành công hơn nữa, rất cần sự rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp quy về phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng cập nhật với tình hình phát triển kinh tế toàn cầu, tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, phát triển công nghệ cao.

Tăng thẩm quyền quản lý Nhà nước về thúc đẩy phát triển nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng công nghệ cao tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu trình diễn công nghệ mới…

Ngoài ra, quy chế hoạt động của 3 khu công nghệ cao quốc gia hiện nay cần thống nhất trong một văn bản pháp quy cấp Nghị định thay vì mỗi khu có quy chế tổ chức hoạt động riêng như hiện nay.

Cùng với đó, cần có quy định về cơ chế đặc thù cho quản lý đầu tư phát triển các khu công nghệ cao (đầu tư công, đầu tư liên doanh/tư nhân...); quy định chi tiết về ưu tiên quỹ đất dành cho thành lập, phát triển mở rộng khu công nghệ cao; quy định về đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao và cơ sở giao thông tiếp cận, nối kết khu công nghệ cao với cảng, sân bay…

Đặc biệt, GS.TS. Lê Hoài Quốc cho rằng, TPHCM cần mở rộng thêm các mô hình hỗ trợ DN tương tự như Chương trình Kích cầu đầu tư đã thành công từ nhiều năm qua; xây dựng, ban hành hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách ưu đãi cho các định chế mới về công nghệ cao như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ cao…

Phương Hiền

Top