Tết Sài Gòn và Hà Nội có gì khác nhau?

13/02/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nếu như Hà Nội người ta hay dùng từ “ăn Tết” thì người Sài Gòn lại dùng từ “chơi Tết”. Sự khác biệt rõ rệt về khí hậu đã mang đến màu sắc Tết đặc trưng và khác biệt cho hai thành phố lớn hai đầu đất nước.

Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, một đoạn đường kéo dài hơn khoảng 1 km trên đường Cách Mạng Tháng Tám giao với đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM) hay còn được biết đến với tên gọi chợ Ông Tạ tấp nập người bán lá dong phục vụ việc gói bánh chưng của người dân TPHCM. Ảnh: VGP

Năm nay, chưa bao giờ có cảnh rất nhiều người Hà Nội vì dịch COVID-19 mà không về thăm quê đúng dịp Tết. Với tôi, ngồi đón Tết ở Sài Gòn thấy có những nét thú vị riêng và vẫn nhớ về Tết Hà Nội với những cung bậc cảm xúc khó tả.

Nếu như Hà Nội người ta hay dùng từ “ăn Tết” thì người Sài Gòn lại dùng từ “chơi Tết”. Sự khác biệt rõ rệt về khí hậu đã mang đến màu sắc Tết đặc trưng và khác biệt cho hai thành phố lớn hai đầu đất nước. Cái lạnh buốt của những ngày giáp Tết hay trong dịp Tết ở Hà Nội cần sắc thắm của hoa đào thì Sài Gòn với ánh nắng rực rỡ thật hợp với sắc mai vàng.

Tôi đã đón cái Tết Sài Gòn nhiều năm vì nhiều lý do. Trải qua nhiều năm, tôi thấy Sài Gòn cho mình sự tự do mấy ngày Tết khác hẳn ở Hà Nội và sự thư thái hiếm có. Việc đi “Tết” nhau trong dịp này thiên về tình nhiều hơn lễ, khác hẳn Hà Nội vốn nghiêng về lễ nhiều. Nhiều người Sài Gòn coi dịp Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi hơn là ăn uống hay mua sắm quá nhiều. Dịp này, có lẽ người ta mua sắm để phòng dịch nhiều hơn là vì thói quen. Dịch vụ Sài Gòn cũng rất tốt trong những ngày Tết vì nhiều nơi vẫn mở bán xuyên Tết. Người Sài Gòn vẫn quen đón Tết ở các quán ăn, quán cà phê cùng bạn bè và người thân.

Tất nhiên cả hai miền đều khá giống nhau ở một số nét chuẩn bị Tết, đó là làm những món ăn cúng ông bà tổ tiên. Bố mẹ tôi ở Hà Nội dù già yếu nhưng hơn hai mươi năm qua chưa năm nào ngưng gói bánh chưng, ăn thì ít nhưng mang biếu tặng bà con họ hàng thì nhiều, vì bánh nhà gói được coi là đồ quý hơn đi mua để tặng. Trước Tết một tháng, đồ gói bánh chưng như gạo nếp thầu dầu hay nếp cái hoa vàng đã được chuẩn bị sẵn cho yên tâm, đậu xanh phải chọn loại ngon nhất, trước ngày gói bánh phải lựa phần thịt ngon nhất của con lợn gồm thịt ba chỉ và thịt mông để có mỡ, có nạc cho nhân bánh ngon hoàn hảo. Bánh đi mua ít khi có nhân thịt dồi dào, trong khi đó bánh tự gói sẽ nặng thịt, ăn bánh vào có đầy đủ vị ngon không thiếu thứ gì.

Bánh vớt ra phải đem ép một đêm cho ra nước để bánh có hình dạng đẹp và chắc, khi cắt ra cứng cáp đẹp hơn bánh ép dối. Chọn cặp đẹp nhất để lên ban thờ thắp hương ông bà, và Tết dường như bắt đầu.

Bạn tôi người Sài Gòn thì giáp Tết cũng hối hả chuẩn bị gói bánh tét. Nếu người Sài Gòn có ông bà cha mẹ gốc Bắc hay Trung thì bánh tét không có cốt dừa, vị như bánh chưng, chẳng qua khác hình dáng. Nhưng nếu có ông bà cha mẹ gốc miền Tây thì bánh có cốt dừa và có đủ loại nhân, từ nhân chuối cho đến đậu xanh, màu gạo nguyên thủy hay màu lá cẩm. Bánh tét gói bằng lá chuối và buộc bằng dây lác, luộc lên cũng thơm lừng. Và bánh tét cũng là vật phẩm dâng lên cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết.

Nếu như người Hà Nội cực kỳ coi trọng món chân giò hầm măng khô, chọn loại măng khô thượng hạng nấu vào dịp Tết, chuẩn bị các món nem rán, canh bóng thả, gà luộc, giò thủ hoặc thịt đông thì người Sài Gòn cũng thật cầu kỳ với món thịt kho hột vịt nước dừa xiêm, củ kiệu và tôm khô, canh khổ qua nhồi thịt. Món thịt kho hột vịt nhìn vậy mà khó, kho sao cho nước trong, không cần để tủ lạnh mấy ngày không hư thì chỉ có những người Sài Gòn học kho món này từ năm này qua năm khác mới đủ tay nghề làm cho món ăn hoàn hảo nhất, màu đẹp, thịt mềm rục mà không nát, trứng mềm mà không dai, nước dừa lên màu tốt.

Người Hà Nội chuẩn bị muối hành từ 10 ngày trước Tết thì người Sài Gòn cũng chuẩn bị muối kiệu thời gian tương tự. Hành thì phải chua và thơm, ít hăng, kiệu thì chua ngọt, thơm mà không chát. Hành muối ăn với bánh chưng, giò thủ thì kiệu ăn với bánh tét hoặc trộn với tôm khô để làm món lai rai cho cánh đàn ông nhậu.

Nếu như người Hà Nội gần như 100% ăn tại nhà thì người Sài Gòn cũng không nhất thiết, có thể ngày cúng ông bà đoàn tụ gia đình thì ăn tại nhà nhưng các mùng sau thì có thể hẹn ra quán, cũng không nhất thiết phải mời nhau tới nhà ăn cơm. Có lẽ sự lạnh lẽo đã khiến người Hà Nội ngồi tại nhà ấm cúng hơn nhiều, còn nắng gió phương Nam lại vẫy gọi người ta ra đường đi chơi Tết, đi chụp ảnh Tết trên mọi nẻo đường.

Ở Sài Gòn, tôi vẫn nấu các món Tết miền Bắc đầy đủ, cũng như vẫn thích món thịt kho hột vịt cùng canh khổ qua giải cái nóng như mùa hè của Sài Gòn. Tôi vẫn hướng về gia đình qua những hình ảnh và câu chuyện nấu những món ngon năm nào cũng thế mà vẫn không bao giờ chán. Tôi đã mua cả cành đào được người ta chở bằng máy bay vào Sài Gòn, cũng như mua những cây mai dáng bonsai đẹp tinh tế của những lão nông trồng mai lão luyện. Tôi đã từng tha hương nên càng hiểu, Tết được ở trên mảnh đất Việt Nam, dù ở đâu vẫn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Giang Vũ

Top