Thiếu nguồn lực khiến hàng loạt công trình giao thông ở TPHCM chậm tiến độ

09/07/2020 8:21 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, do thiếu nguồn lực nên mới chỉ có 41 trong tổng số 172 dự án giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác. HĐND TPHCM khóa IX khai mạc kỳ họp 20 Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM

Ngày mai, tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 20, Thường trực HDND TP sẽ báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp sáng 9/7, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã có trao đổi nhanh với phóng viên, khái quát vấn đề của hạ tầng giao thông TP trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân nhiều công trình giao thông chậm hoàn thành

Thực tế trong 5 năm qua, giao thông TPHCM đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần thay đổi mặt và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của TP. Ông Trần Quang Lâm cho rằng, một số chỉ tiêu rất quan trọng đã đạt được như mật độ đường giao thông, mật độ mạng lưới đạt 2,2km/km2 đất tự nhiên, diện tích các công trình giao thông đạt 12,2% trên đất xây dựng đô thị.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, mặc dù TP có số chiều dài km đường và số cây cầu vượt kế hoạch nhưng xét trên tổng thể, những công trình trọng điểm chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Ông Lâm dẫn ra ví dụ chỉ có 41/172 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, trong đó có một số công trình rất quan trọng như vành đai 2, tuyến metro, tuyến giao thông xanh.

Thừa nhận nhiều công trình giao thông BOT lớn không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, ông Trần Quang Lâm đã chỉ ra một số nguyên nhân.

Theo đó, nguyên nhân chính là do nguồn lực không đảm bảo. Từ đầu nhiệm kỳ, với 172 dự án thì TPHCM dự toán số vốn đầu tư là 372 ngàn tỉ đồng nhưng thực tế không đạt được. Đối với những dự án thu hút theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng, từ 2017 đến nay TP không có dự án nào được triển khai mới do vướng một số văn bản quy định pháp luật.

“Nếu chỉ tính vốn ngân sách và vốn ODA thì TP chỉ đạt 27% so với kế hoạch. Trong đầu nhiệm kỳ TP kỳ vọng vào nguồn vốn xã hội hóa, vốn PPP, chủ yếu là BOT và BT. Từ năm 2017, Thành phố có dán niêm yết dự án BOT trên một số tuyến đường cũ dự kiến mở rộng nâng cấp như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường Ung Văn Khiêm, cầu đường Bình Triệu… hiện phải tạm dừng theo Nghị quyết 437 của Quốc hội”, ông Lâm cho hay.

Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ, Thành phố xây dựng vốn cho các dự án giao thông theo tỉ lệ dự kiến tổng thu ngân sách để lại cho Thành phố là 23% nhưng thực tế chỉ được 18%. Như vậy nguồn vốn dự toán cho phát triển hạ tầng giao thông cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi các cửa ngõ của thủ đô Hà Nội đều có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai đang được khép kín, sân bay Nội Bài vẫn chưa tới mức quá tải; Quảng Ninh, Hải Phòng liên tục khai trương đường cao tốc, sân bay mới... thì TPHCM do thiếu vốn, vướng cơ chế nên các dự án đường cao tốc, đường vành đai, tuyến metro, hay mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất… đều đang bị chậm tiến độ.

Ông Lâm cũng chỉ ra điểm nghẽn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã khiến nhiều dự án được bố trí vốn nhưng không thực hiện được như tiến độ. “Đa phần các dự án giao thông trọng điểm đều vướng ở điểm này, không đạt kế hoạch như tiến độ đề ra. Thậm chí có những dự án kèo dài với thời gian gấp đôi”, ông Lâm chia sẻ.

Giải quyết những nút thắt trên như thế nào?

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm, cho biết, Thành phố đã có những chương trình rất lớn nhằm giải quyết bài toán phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Thứ nhất về giải phóng mặt bằng, TP đã trình Chính phủ một nghị quyết đặc thù, Nghị quyết 27 về bồi thường giải phóng mặt bằng quy trình rút gọn. Ông Lâm cho biết hiện TP đang chuẩn bị ban hành kế hoạch và khi triển khai thực tế thì thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ rút gọn rất nhiều, chỉ còn 1/3 thời gian so với hiện tại.

Thứ hai là đề án phát triển kết cấu hạ tầng. Đề án này cần mô phỏng, đánh giá tình hình giao thông và phân tích dự báo trong 5 - 10 năm tới để cân đối nguồn lực và đầu tư theo thứ tự ưu tiên, theo các tiêu chí có thang điểm.

Đối với đề án này, theo ông Lâm, hiện có một số quan điểm cho rằng phải đầu tư, hoàn thành dứt điểm vành đai 2, vành đai 3 và các tuyến quốc lộ kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo hướng mở rộng quốc lộ 1, Quốc lộ 50, quốc lộ 22, quốc lộ 13…

Thứ 3 là phát triển giao thông công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân. “Chúng tôi đã nghiên cứu một số nước thì thấy, chúng ta phát triển hạ tầng nhưng với xu hướng người dân ngày càng sử dụng phương tiện cá nhân và chúng ta không có sự kiểm soát, điều chỉnh, không có sự tác động thì hạ tầng có phát triển cũng không giải quyết được vấn đề giao thông đô thị”, ông Lâm phân tích và cho biết thêm, kỳ họp này HĐND TP sẽ thông qua một số quan điểm và giải pháp rất quan trọng để triển khai thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Thứ tư, theo ông Trần Quang Lâm là tăng nguồn vốn thông qua các giải pháp: đẩy mạnh cổ phần hóa, khai thác tối ưu các quỹ đất, đấu thầu đấu giá các khu đất để tạo nguồn và sắp tới, TP sẽ báo cáo Ban kinh tế Trung ương và trình Quốc hội tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP lên 24%.

Đối với từng hình thức sẽ có ưu tiên tái đầu tư khác nhau. Ví dụ nguồn thu từ cổ phần hóa sẽ đầu tư phát triển hạ tầng; thu từ tối ưu quỹ đất sẽ ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Đặc biệt, ông Lâm thông tin về một hướng mới mà Sở Giao thông Vận tải được UBND giao nghiên cứu, đó là thu phí từ hạ tầng kết cấu cảng biển.

“Chúng tôi tham khảo cách làm của Hải Phòng, sắp tới sẽ báo cáo và phấn đấu, nếu thuận lợi thông qua thì hàng năm, tính toán sơ bộ, chúng ta thu được khoảng 3.000 tỉ đồng/năm. Nguồn này sẽ ưu tiên đầu tư cho các công trình kết cấu cảng biển như cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái và sắp tới là cảng Long Bình quận 9… Hiện mới dừng ở nghiên cứu, chúng tôi chưa trình UBND TP”, ông Lâm chia sẻ.

Được biết, con số 3.000 tỉ đồng được tính toán dựa trên cách làm của Hải Phòng và dựa trên lưu lượng hàng hóa xuất - nhập qua cảng biển của TP. Thực tế lưu lượng hàng hóa qua các cảng biển của TPHCM đang gấp đôi Hải Phòng.

Với kế hoạch này này, ông Lâm cho rằng sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc lấy ý kiến nhiều tổ chức Mặt trận Tổ quốc, hiệp hội vận tải, hiệp hội logistic, hiệp hội cảng biển… “Phải tạo được sự đồng thuận, chứng minh được việc thu phí như vậy sẽ mang lại hiệu quả hơn, giảm được ùn tắc giao thông, phương tiện luân chuyển qua cảng biển tốt hơn, tối ưu hơn, doanh nghiệp và người dân cảm thấy được lợi hơn trong vấn đề đi lại, thời gian cũng như chi phí”, ông Trần Quang Lâm khẳng định.

Băng Tâm

Top