Trăm năm trong một chữ Dân

(Chinhphu.vn) - “Một nhân cách lớn, một tấm gương cộng sản kiên trung, suốt đời vì nước, vì dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là những điều mọi người luôn nhớ đến khi nhắc về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022), bài viết sau đây sẽ khắc họa phần nào chân dung một nhà lãnh đạo dám đương đầu với thử thách, hết lòng vì nước, vì dân.

86 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng và gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long, Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định – TPHCM cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo đất nước, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta.

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 1.

Trong ký ức của những đồng chí nguyên là lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ, những cán bộ từng sát cánh bên đồng chí Võ Văn Kiệt trong hành trình cùng đất nước, dấu ấn Võ Văn Kiệt là hồi ức khó phai về một người lãnh đạo luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn có những đóng góp sắc sảo, tạo bước đột phá lớn.

Khi nhắc về ký ức cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc ông nhận được lá cờ ra quân TNXP xung kích trên mặt trận kinh tế từ đồng chí Võ Văn Kiệt. Khi được cầm trên tay lá cờ vinh dự, với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên, ông Phạm Chánh Trực nhận rõ được trách nhiệm, vai trò xung kích của bản thân cũng như của tuổi trẻ cả nước. Ông Phạm Chánh Trực bộc bạch: "Tôi được gặp đồng chí Võ Văn Kiệt khoảng năm 1963 trong kháng chiến. Trong đó đáng nhớ nhất là hai lần xuất quân trong chiến dịch Mậu Thân và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi đất nước sống trong hòa bình thì tôi cũng rất may mắn khi được đồng chí chỉ đạo lực lượng thanh niên xung phong ra quân. Vì vậy tôi cảm nhận được rất rõ tinh thần mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn trao gửi lại cho thế hệ trẻ".

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 2.

Hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt trao Cờ truyền thống cho đồng chí Phạm Chánh Trực - Bí thư Đoàn thanh niên đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử và truyền động lực đến nhiều thế hệ. Là những người thuộc thế hệ sau, không được trực tiếp chứng kiến khoảnh khắc đặc biệt này nhưng bức ảnh trên cũng đã gợi cho Tiến sĩ Thạch Kim Hiếu - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM nhiều cảm xúc. TS. Hiếu chia sẻ: "Nhìn hình ảnh này, tôi cảm nhận được sự trao gửi niềm tin của người đứng đầu Thành phố, của lãnh đạo Thành phố, cho thế hệ trẻ Thành phố. Không chỉ đơn thuần là trao gửi niềm tin cho thế hệ thứ tư mà còn là những thế hệ sau này của chúng tôi. Cố Thủ tướng đã trao gửi niềm tin về một tinh thần đổi mới, tinh thần sáng tạo".

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 3.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là người có sự gắn bó mật thiết với đất và người Sài Gòn – Gia Định – TPHCM. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm (1959-1969) giữ vị trí Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong một thời kỳ vô cùng cam go khốc liệt, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng của Thành phố - chiến trường trọng điểm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM, dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt để lại cho đời, cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân Thành phố hết sức sâu sắc.

Trong một bài viết nhân kỷ niệm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM từng đề cập "có lẽ, từ khóa gắn với ông chính là từ Dân, đó là ngọn nguồn sức mạnh vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất Võ Văn Kiệt". Chia sẻ rõ hơn về từ khóa này, bà Phạm Phương Thảo cho biết "Trong những năm kháng chiến, đồng chí Võ Văn Kiệt được mọi người gọi với cái tên thân mật là Sáu Dân. Tôi thấy rằng từ "dân" như là một từ khóa gắn với cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Võ Văn Kiệt không phải là một nhà lý luận, không phải là một người có học hàm, học vị cao nhưng điều làm nên Võ Văn Kiệt là một trí tuệ, bản lĩnh. Để có được những quyết sách có lợi cho dân, tôi nghĩ là đồng chí đã học từ dân rất nhiều, đồng chí là một nhà lãnh đạo thực tiễn luôn đề cao thực tiễn cuộc sống, chiến đấu, lao động của nhân dân".

Có thể thấy, đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, đặc biệt trong những năm đầu giải phóng khi Thành phố đứng trước các khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua như bị bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước, những vấn đề liên quan đến cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp,... Với vai trò là người lãnh đạo - người "đứng mũi chịu sào", đồng chí Võ Văn Kiệt luôn sẵn sàng đương đầu với những khó khăn. Ông luôn bám sát vào cơ sở để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, từ đó tên ông thường gắn liền với những động từ chỉ sự dứt khoát, quyết liệt như "bung ra", "phá rào".

Khi tỷ lệ nghỉ việc của người dân Thành phố lên đến 70%, có lúc lạm phát tới 700%, với trọng trách được Đảng và nhân dân giao cho, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn thao thức, trăn trở trước thực trạng khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội của Thành phố. Thấu hiểu và xót xa trước tình cảnh người dân sinh sống ở "vựa lúa" của cả nước nhưng lại thiếu ăn hằng ngày đã thôi thúc, đè nặng trong tâm trí, suy nghĩ của đồng chí Võ Văn Kiệt. Quyết định "phá rào" không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn trong phân phối lưu thông, xuất nhập khẩu để "chạy gạo cho dân". Bà Phạm Phương Thảo cho biết: "Đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo luôn tin dân và được dân tin trong mọi hoàn cảnh. Mặc dù kinh tế bị khủng hoảng nhưng niềm tin vẫn vững chắc, người dân vẫn tin vào lãnh đạo, tin vào tương lai. Điều này cho thấy được sức thuyết phục, định hướng khôi phục và phát triển trong mỗi chính sách của cố Thủ tướng".

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 4.

Sức thuyết phục về quyết tâm phải "phá rào" của TPHCM để đi bước tiên phong cho cả nước cũng mạnh không kém sức thuyết phục của thực tế cuộc sống, nghị quyết của Đại hội VI đã thành "nghị quyết đổi mới", lần lượt sửa những chính sách duy ý chí: Bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, cho phép kinh tế tư nhân hoạt động, giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, cải tổ hệ thống ngân hàng, ra Luật Đầu tư nước ngoài... Những quyết sách này đều có dấu ấn của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thời bấy giờ.

Dám làm những việc thực tiễn chưa có, dám làm những việc có tính chất mở đường, không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một người lãnh đạo mà còn xuất phát từ cái tâm, từ sự trăn trở vì dân. Vai trò và hiệu quả mà hệ thống kênh T4, T5, T6 (trải dài từ An Giang qua Kiên Giang và thông ra biển Tây) hay đường dây 500 kV đem lại là thước đo đúng đắn nhất cho giá trị của những quyết sách, quyết tâm của cố Thủ tướng. Chia sẻ về nhà lãnh đạo dấn thân, kiến tạo của đất nước, bà Phạm Phương Thảo nhận định: "Đồng chí là một người lãnh đạo biết hòa mình vào nhân dân, học dân và luôn lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để có những quyết sách có lợi cho dân. Từ đó cái tên Sáu Dân đã để lại nhiều thương mến trong lòng người dân cả nước". 

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 5.

Dấu ấn của nhà lãnh đạo vì nước vì dân, quyết liệt trong suy nghĩ và hành động còn được ghi dấu đậm nét trong ký ức của những người làm báo, đặc biệt là nhà báo Minh Thu và nhà quay phim Hoàng Minh Đức, Đài Truyền hình TPHCM. May mắn được tác nghiệp trong thời khắc lịch sử tuyên truyền về công trình đường dây 500 kV, nhà báo Minh Thu nhớ lại: "Chú Sáu Dân rất tin tưởng Đài Truyền hình Thành phố và Đài truyền hình được vào trong buổi họp quan trọng để tác nghiệp. Lúc đó là lần đầu tiên tôi gặp chú. Chú phát biểu sau khi nghe tất cả các ý kiến của các nhà khoa học các lãnh đạo của ngành điện. Lúc chú đứng dậy để kết luận, ngay lập tức tôi nói với quay phim là nhất định phải ghi được, xả phim ra để lấy hết đoạn này. Bởi vì tôi đã dự đoán được đây sẽ là những phát biểu lịch sử, quyết định cho công trình cấp quốc gia này".

Công trình đường dây 500 kV Bắc -  Nam là cột mốc lịch sử quan trọng của sự phát triển ngành Điện lực Việt Nam. Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế, xã hội khá phức tạp. Nhưng trong những thước phim được người làm báo ghi lại, ở thời khắc quyết định lịch sử đó, đồng chí Võ Văn Kiệt không hề nao núng, lo sợ, ngược lại, đồng chí rất quyết tâm và quyết liệt thực hiện bằng được công trình.

Đi cùng chặng đường hai năm trên hành trình thực hiện công trình đường dây 500 kV, được tiếp xúc với đồng chí Võ Văn Kiệt nhiều hơn, nhà báo Minh Thu bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng tất cả tính cách, phẩm chất tuyệt vời nhất của chú đã vì dân mà bộc lộ trên công trình đường dây 500 kV này, vừa quyết liệt vừa ôn hòa nhưng dứt khoát là phải đem lại hạnh phúc cho người dân".

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 6.

Đó là ký ức không thể nào quên của nhà báo Minh Thu, người đã cùng nhà quay phim Hoàng Minh Đức có những thước phim để đời về đường dây 500 kV - dấu ấn đặc biệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc bấy giờ, thấu cảm của người làm báo trước một chân dung quá đỗi lớn lao khi mà mọi quyết định đều lấy người dân làm tâm điểm, chữ dân cũng là động lực để vị nguyên thủ quốc gia vượt qua nhiều khó khăn. Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm truyền hình khắc họa rõ nét về đồng chí Võ Văn Kiệt.

"Riêng đối với những người làm truyền hình, làm báo chí như chúng tôi thì không bao giờ quên được chú. Chú rất khiêm tốn, rất là nhẹ nhàng và phải nói là rất là sâu sắc", tháp tùng đồng chí Võ Văn Kiệt đi một số nước và đặc biệt đồng hành ghi nhận lại những tư liệu quý giá trong giai đoạn đó, nhà quay phim Hoàng Minh Đức chia sẻ.

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 7.

Ngoài công trình đường dây 500 kV, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn ghi dấu sâu sắc trong lòng người dân cả nước nói chung và người dân vùng tứ giác Long Xuyên nói riêng thông qua hệ thống kênh đào T4, T5, T6. Với mong muốn thoát nhanh nước lũ hằng năm từ thượng nguồn tràn về, đồng thời giúp khai phá kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng với các nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương cùng với lãnh đạo hai tỉnh An Giang và Kiên Giang khảo sát và đồng thời quyết định đào hệ thống kênh T4, T5, T6 giúp xả lũ ra biển Tây vào năm 1997, trong đó kênh T5 là kênh có quy mô lớn và dài nhất.

Là người dân sống tại vùng đất được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khai phá, mở kênh cho kinh tế vùng phát triển, Ông Huỳnh Ngọc Ân - xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang bồi hồi nhớ lại: "Khoảng 30 năm trước, ở đây là một cánh đồng hoang mọc đầy cỏ lau, đất không khai thác được. Bác Sáu Dân về đây khảo sát và mở kênh, công trình này bắt đầu ra đời mang dòng lũ thoát ra biển Tây, mang dòng nước ngọt đi sâu vào nội đồng tháo phèn, rửa chua".

Nhờ vậy, vùng đất nơi đây được cải tạo về mặt đất, người dân có đất để canh tác, bắt đầu thoát nghèo. Từ đó, hạt lúa được gieo trồng nhiều hơn, nảy mầm tốt và được xuất khẩu khắp nơi. Ông Trịnh Văn Căn - Chủ tịch UB MTTQ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nhấn mạnh: "Nhân dân vùng tứ giác Long Xuyên nói chung, xã Lạc Quới nói riêng và dọc tuyến kênh T5 từ đây đến Kiên Giang đều rất hạnh phúc, rất biết ơn bác Sáu Dân đã có ý tưởng táo bạo, quyết liệt như thế, giúp người dân ở đây phát triển nhanh lên và dân rất tự hào".

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 8.

 "Người dân nơi đây thể hiện sự biết ơn bằng cách đặt tên cho con kênh bằng tên người đã làm ra công trình này một cách thân thương, đó là kênh ông Kiệt." - ông Huỳnh Ngọc Ân bày tỏ. Người dân vùng tứ giác Long Xuyên nhờ đất được khai phá, dẫn nước mà sống. Đất nơi đây nhờ người mà có tên. Người nhờ người mà có ơn…

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 9.

 Câu chuyện về cuộc đời vẻ vang của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là nguồn cảm hứng cho các nhà báo bao thế hệ, là niềm tự hào của người dân cả nước mà cố Thủ tướng còn là tấm gương của toàn Đảng, toàn dân học hỏi, noi theo. Một trong những lĩnh vực mà đồng chí Võ Văn Kiệt quan tâm sâu sắc, dành nhiều tâm huyết cho đến những năm tháng cuối đời là làm sao xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Những tư duy đột phá và phong cách lãnh đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý giá. Tiến sĩ Thạch Kim Hiếu - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM nhận định: "Một trong những bài học lớn nhất liên quan đến công tác xây dựng Đảng mà chúng ta có thể rút ra được từ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đó chính là phong cách lãnh đạo, năng lực và về trách nhiệm của một người lãnh đạo người đứng đầu cần có. Những bài học giá trị từ phong cách lãnh đạo của cố Thủ tướng cho thế hệ sau là vô giá".

Trăm năm trong một chữ Dân - Ảnh 10.

"Lãnh đạo là một người thật sự xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích nhân dân làm tiêu chuẩn để hình thành nên các đường lối chính sách. Đó là yêu cầu hàng đầu hiện nay trong quyết sách lãnh đạo. Lãnh đạo phải có một tinh thần trách nhiệm cao, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình mà tạo nên sự đột phá trong hoạt động lãnh đạo quản lý. Hình thành hạt nhân đoàn kết sẽ tạo ra sự đồng thuận và cộng hưởng lớn giúp những quyết định mang tính đột phá có thể đi đến thành công" - Đó chính là những bài học lớn được Tiến sĩ Thạch Kim Hiếu rút  ra từ cá nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, của Nam Bộ đã để lại nhiều dấu ấn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những hình ảnh của đồng chí Võ Văn Kiệt – người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu - trí tuệ và bản lĩnh đang được nhắc đến nhiều hơn và lan tỏa rộng hơn, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.

Võ Tấn Tài

Top