Phát triển triết học và Triết học Phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

25/11/2019 8:12 AM

(Chinhphu.vn) - Tại TPHCM, Viện Triết học Phát triển và Viện Kỷ lục Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm Ngày Triết học thế giới năm 2019 và Hội thảo khoa học chủ đề: “Phát triển triết học và Triết học Phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Viện Triết học Phát triển tổ chức kỷ niệm Ngày Triết học thế giới Viện Nghiên cứu Hạt nhân và

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đọc Diễn văn chào mừng Ngày Triết học Thế giới năm 2019. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Trong diễn văn chào mừng Kỷ niệm Ngày Triết học thế giới, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, trong gần hai thập kỷ gần đây, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin cộng với công nghệ truyền thông, dường như sự tích lũy về lượng trong sự phát triển của tổ hợp công nghệ thông tin - truyền thông đã đạt tới một trạng thái “bước nhảy”. Theo đó, thế giới đang chứng kiến những sự chuyển mình mang tính hệ thống, triệt để và toàn diện từ nền tảng công nghệ tổng hợp này. Đó chính là bản chất sâu sắc nhất, mang tính thời đại, mang tính cách mạng triệt để của cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Và đây là lý do để Viện Triết học Phát triển và Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học có chủ đề: “Phát triển triết học và Triết học Phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, nhân dịp kỷ niệm Ngày Triết học thế giới.

Ngay sau lễ kỷ niệm, hơn 50 đại biểu là các nhà nghiên cứu, đến từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM)… đã cùng trao đổi về chủ đề: “Phát triển triết học và Triết học Phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Báo cáo đề dẫn hội thảo của GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn nêu rõ, nước ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới đã được bắt đầu sau hơn 33 năm đồng thời hội nhập sâu rộng hơn vào môi trường quốc tế trong bối cảnh mới, nhất là với cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Thực tiễn đó đang đặt ra nhiều vấn đề về lý luận, nhất là lý luận triết học - lý luận có tính nền tảng.

GS.TS.NGND. Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (bên trái) và TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển (bên phải) tặng hoa GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (đứng giữa) trong vai trò đứng đầu Đoàn Chủ tọa hội thảo. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng, Việt Nam đang đứng ngang thềm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ hội không chia đều nhưng so với các nước chúng ta có những lợi thế quan trọng. Cụ thể, đó là có sự lãnh đạo tiên phong của Đảng, truyền thống quật cường, tinh thần dân tộc, ý chí vươn lên của con người Việt nam.

“Rất nhiều học giả trên thế giới trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau đang nói về một thời khắc đặc biệt trong lịch sử phát triển các nền văn minh và các nền kinh tế trên thế giới. Đó là, tại những thời khắc mà sự khủng hoảng phát triển trở nên có tính hệ thống nhờ trạng thái “bước nhảy” của nền tảng công nghệ tổng hợp. Quốc gia lớn, doanh nghiệp khổng lồ, hệ thống tối ưu, quy trình vững chắc,… tất cả những điều đó đang như chuyển đổi trạng thái để từ “điều kiện đủ” sang trở thành “điều kiện cần” cho sự phát triển. Mà sự thành công trong thực tiễn chủ yếu được quyết định bởi đặc điểm của “điều kiện đủ”. Nói cách khác, các quốc gia nhỏ bé, các doanh nghiệp khởi nghiệp,… về lý thuyết hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này nhằm chớp lấy hệ thống các “điều kiện đủ” để vươn tới thành công”, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn nhấn mạnh.

GS.TS.NGND. Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua phương thức điện toán hóa - tức diễn đạt thực tiễn thông qua dãy số với trật tự hai con số 0 và 1 - phạm trù thực tiễn đang có khuynh hướng chạm đến thang bậc hạ nguyên tử với bản chất thông tin của vũ trụ.” GS.TS.NGND. Nguyễn Thanh Tuyền đề nghị trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn cần rất quan tâm đến vai trò của vũ trụ vì đây là nền tảng, môi trường cho sự vận động, phát triển.

Từ chủ đề hội thảo, TS. Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật, Chủ tịch JAVINET (Mạng lưới kết nối Việt Nam - Nhật Bản) tâm đắc với câu chuyện “Giấc mơ Việt Nam”, đã bày tỏ mong muốn được tham gia kết nối hoài bão vươn lên và dẫn đầu từ công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam với các lực lượng, nhân tố và sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản. TS. Nguyễn Trí Dũng đề xuất sẽ có những hành động cụ thể sau hội thảo với các đơn vị liên quan để hiện thực hóa “Giấc mơ Việt Nam” từ những bước đi vững chắc với vai trò kết nối hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.

TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển thông qua Thông điệp Triết học Phát triển tại Lễ Kỷ niệm Ngày Triết học Thế giới năm 2019 và Hội thảo Khoa học chủ đề: “Phát triển triết học và Triết học Phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Trong phần phát biểu của mình, TS. Vũ Như Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khoa học Hạt nhân - Viện Nghiên cứu Hạt nhân, đã trình bày những mối liên hệ trong thang hạ nguyên tử và sinh học với những vấn đề đương đại của nhân loại trong thang nguyên tử. TS. Vũ Như Ngọc chỉ rõ: “Đặc thù thứ tự của hệ sinh học chính là cơ sở hình thành nhiều khái niệm cơ bản của khoa học”.

TS. Hồ Bá Thâm, nguyên Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đúc kết: “Vũ trụ có hai tầng bản chất. Bản chất bậc nông của vũ trụ là năng lượng. Bản chất bậc sâu của vũ trụ là thông tin. Khảo sát vũ trụ ở tầng năng lượng chúng ta sẽ chạm đến thang nguyên tử của vật chất. Khảo sát vũ trụ ở tầng thông tin chúng ta sẽ chạm đến thang hạ nguyên tử của vật chất. Mỗi một tầng bản chất sẽ có hệ quy chiếu khảo sát riêng. Sự ứng dụng thang hạ nguyên tử trong khảo sát vật chất sẽ đem đến nhiều tiềm năng và tài nguyên cho khoa học và công nghệ.”

Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh - Viện trưởng Viện Triết học Phát triển đã trình bày nội dung mang tính công thức của Thông điệp Triết học Phát triển. Hội thảo đã thống nhất thông qua Thông điệp Triết học Phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

GS.TS.NGND. Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tổng kết Hội thảo.Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Nhân dịp này, trên cơ sở ghi nhớ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu hạt nhân và Viện Triết học Phát triển, hai đơn vị này đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng Sáng lập Trung tâm Triết học Hạ nguyên tử và Công nghệ trực thuộc Viện Triết học Phát triển.

Trước mắt, trong giai đoạn lâm thời, Hội đồng Sáng lập Trung tâm Triết học Hạ nguyên tử và Công nghệ sẽ bao gồm 7 thành viên, gồm: GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; GS.TS.NGND. Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM; TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng Viện Triết học Phát triển; TS. Vũ Như Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khoa học hạt nhân - Viện Nghiên cứu hạt nhân; TS. Phạm Quốc Kiệt, Viện trưởng Viện Mật mã vũ trụ - Hội Kỷ lục gia Việt Nam; TS. Ngô Hồ Anh Khôi, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế - Viện Triết học Phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trung tâm Triết học Hạ nguyên tử và Công nghệ là TS. Hồ Bá Thâm, nguyên Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngay sau đó, Viện Triết học Phát triển đã công bố Quyết định công nhận TS. Hồ Bá Thâm là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Triết học Phát triển.

Viện Triết học Phát triển cũng tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị: Viện Mật mã vũ trụ thuộc Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Tổ chức Thiện nguyện Việt Nam thuộc Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Tập đoàn Công nghệ Truyền thông BIGCOS.

Anh Tuấn

Top