20 năm chia tách địa giới hành chính: Bình Chánh vượt khó đi lên, đạt nhiều thành tựu phát triển

01/12/2023 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/12, huyện Bình Chánh (TPHCM) tổ chức họp mặt kỷ niệm 20 năm chia tách địa giới hành chính huyện Bình Chánh (2003-2023). Sau 2 thập kỷ tách ra làm 2 đơn vị hành chính mới, huyện ngoại thành của TPHCM đã vượt khó đi lên, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội.

20 năm chia tách địa giới hành chính: Bình Chánh vượt khó đi lên, đạt nhiều thành tựu phát triển - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Dự buổi lễ có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Bình Chánh qua các thời kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, buổi họp mặt nhằm nhìn lại sự phát triển của địa phương sau 20 năm chia tách và cùng tự hào về những thành tựu, phân tích những vấn đề tồn tại để hoạch định chiến lược phát triển thời gian tới.

"Những ngày đầu chia tách, huyện Bình Chánh đứng trước bộn bề khó khăn cơ sở vật chất, trụ sở cơ quan còn thiếu thốn. Kinh tế huyện lúc đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho đầu tư, phát triển", Bí thư Huyện ủy Bình Chánh điểm lại.

Sau 20 năm vượt khó, kinh tế huyện Bình Chánh đã phát triển nhanh, bền vững với tốc độ bình quân 22,2% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế của Bình Chánh chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng – dịch vụ - nông nghiệp, thu ngân sách Nhà nước tăng gấp 14 lần so với năm 2004.

Ngoài ra, huyện Bình Chánh cũng quan tâm, đầu tư về lĩnh vực văn hóa, xã hội với quy mô, chất lượng giáo dục được nâng lên, hệ thống y tế không ngừng được củng cố. Sự phát triển của huyện Bình Chánh hiện nay đã khẳng định năng lực thực tiễn của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân của địa phương.

Theo Nghị định 130 năm 2003 của Thủ tướng về việc chia tách địa giới hành chính, huyện Bình Chánh cũ được tách ra, thành lập mới quận Bình Tân. Đến ngày 2/12/2003, huyện Bình Chánh đã thực hiện xong việc chia tách.

Việc chia tách địa giới hành chính được thực hiện trên cơ sở chia tách 3 xã (Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa), 01 thị trấn (An Lạc) để thành lập 10 phường thuộc quận Bình Tân. Sau lễ công bố thành lập quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã tổ chức lễ công bố chuyển xã Tân Túc thành thị trấn Tân Túc.

Sau chia tách, huyện Bình Chánh là một trong năm huyện ngoại thành của TPHCM. Địa phương nà có 15 xã và 01 thị trấn, diện tích tự nhiên là gần 253 km2, dân số hơn 219.000 người.

20 năm chia tách địa giới hành chính: Bình Chánh vượt khó đi lên, đạt nhiều thành tựu phát triển - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao Cờ truyền thống cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Bình Chánh – vùng đất giàu truyền thống với bề dày trên 300 năm

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định, huyện Bình Chánh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất với bề dày lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm.

Buổi họp mặt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu chặng đường 20 năm phát triển của huyện Bình Chánh có truyền thống cách mạng, có nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và phát triển.

Thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh huyện cần tăng cường xây dựng Đảng và nâng cao năng lực của hệ thống chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, năng động, chất lượng theo lời dạy của Bác "cán bộ là cái gốc của mọi công việc".

Đồng thời, chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng, dân vận chính quyền, bởi lẽ Bác Hồ đã căn dặn "Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".

Huyện cũng cần nắm bắt, tận dụng thời cơ triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền của thành phố để tăng cường tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, quyết liệt cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhà đầu tư.

Đồng thời, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng môi trường sống "xanh - sạch - đẹp". Tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Vũ Phong

Top