Ba mảnh ghép của trường đại học khởi nghiệp

15/07/2023 9:27 AM

(Chinhphu.vn) - Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo được các chuyên gia xác định là 3 nhiệm vụ quan trọng của trường đại học đi theo định hướng đại học khởi nghiệp.

Ba mảnh ghép của trường đại học khởi nghiệp - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong trường đại học khởi nghiệp” - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia TPHCM) cùng Green+ vừa tổ chức hội thảo "Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong trường đại học khởi nghiệp". Tại đây, các tham luận cùng phần trao đổi của chuyên gia và đại diện nhiều trường đại học chủ yếu xoay quanh việc làm sao định hình đúng mô hình trường đại học khởi nghiệp tại Việt Nam và có những giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.

"Điểm nghẽn" của mô hình đại học khởi nghiệp

Trong tham luận "Vì sao chưa phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ các trường đại học?", ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green Plus đưa ra phép so sánh khiến nhiều người ấn tượng. Ông cho biết, ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Israel…, 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được phát triển từ các trường đại học. Nhưng ở Việt Nam lại xuất hiện nghịch lý khi có tới 90% những doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo nằm ngoài trường đại học.

Theo ông Thành, có nhiều nguyên nhân "ức chế" việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong các trường đại học ở Việt Nam. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường đại học trong nước hiện nay chưa thực sự hiệu quả và chất lượng. Các trường chưa chú trọng đến ứng dụng và chuyển giao công nghệ, do đó làm nhiều, đúng quy trình nhưng mọi thứ chưa khả quan. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu sinh tại một số trường đại học hiện chưa thể gắn kết với thị trường và nhu cầu của xã hội nên tính đáp ứng không cao.

Nhìn từ thực tế, ông Thành cho rằng, đến nay nhiều trường đại học trong nước vẫn chưa xây dựng được đầy đủ các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Từ đó, không khai thác được nguồn lực cho hoạt động quan trọng này. Nhiều trường đại học có vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo nhưng lại thiếu những thành tố khác như quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư về khởi ngiệp - đổi mới sáng tạo ngay trong trường…

Quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của không ít trường đại học vẫn đang bị "làm khó" vì nhiều quy chuẩn, giấy tờ. Trong khi đó nhiều trường lại chưa có được những tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Hiện nay, đa phần các trường vẫn chưa có riêng một tổ chức chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, hầu hết toàn nhân sự kiêm nhiệm. Điều này tạo ra rất nhiều rào cản để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo bên trong trường đại học.

Ba mảnh ghép của trường đại học khởi nghiệp - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế TPHCM Đặng Đức Thành trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Một vấn đề nhiều trường đang gặp phải nữa là "khát vốn" khởi nghiệp dẫn đến tình trạng nhiều ý tưởng rất hay không được đầu tư đến nơi đến chốn để phát triển thành đề án kinh doanh khả thi. Thậm chí, nhiều ý tưởng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp xong rồi ngậm ngùi… đem cất.

Ông Thành còn cho rằng, chính việc chưa có sự đầu tư thỏa đáng trong công tác nghiên cứu khoa học đã làm tổn thất nhiều ý tưởng sáng tạo có thể phát triển thành dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Và tâm lý đặt nặng vấn đề khởi nghiệp lên vai sinh viên cũng khiến nhiều trường "trật nhịp" trên hành trình đẩy mạnh sự phát triển mô hình đại học khởi nghiệp. Cho nên điều các trường cần làm là tạo ra hệ sinh thái nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển. Ngoài ra, cần giảm tính hình thức trong sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, tập trung nguồn lực hiện thực hóa các ý tưởng tốt thành sản phẩm sáng tạo mà thị trường cần.

Tập trung để đi đúng hướng

Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trường đại học là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng. Ngoài đào tạo con người, vai trò của trường đại học còn được thể hiện ở hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu ra ngoài xã hội.

"Do đó, trường đại học mạnh sẽ tạo ra nguồn cung cấp tri thức cho xã hội cũng như công nghệ. Đây cũng là nơi để phát triển dồi dào những ý tưởng về đổi mới sáng tạo giúp nâng cao tài sản cho doanh nghiệp cũng như nâng cao tài năng trí tuệ trong hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình phát triển của doanh nghiệp sẽ có 3 giai đoạn: ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng, tương ứng với 3 hoạt động tại trường đại học là đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo", bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho hay.

Theo bà Trúc, trong giai đoạn đầu, nhà trường và giảng viên đóng vai trò là người truyền cảm hứng, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản giúp sinh viên hình thành ý tưởng về đổi mới sáng tạo. Đến giai đoạn thứ hai, cũng chính thầy cô là người dẫn dắt để những ý tưởng đó được nghiên cứu một cách bài bản và cho ra sản phẩm cụ thể, bước đầu quá trình thương mại hóa. Ở giai đoạn thứ ba, tức giai đoạn tăng trưởng, khi sản phẩm đã được hiệu chỉnh theo phản hồi của thị trường, các đội nhóm sinh viên sẽ nghĩ đến việc hình thành doanh nghiệp để có thể kinh doanh sản phẩm. Lúc này nhà trường có vai trò tạo ra môi trường để cung cấp cho sinh viên kiến thức liên quan đến kinh doanh.

Ba mảnh ghép của trường đại học khởi nghiệp - Ảnh 3.

PGS, TS Phạm Đình Anh Khôi: Trường đại học phải liên tục đổi mới sáng tạo, liên tục cải tiến, phát triển và tạo ra tác động tích cực trong xã hội - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

PGS, TS Phạm Đình Anh Khôi (Trường Đại học Bách khoa) cho rằng, nếu một trường đại học theo định hướng "đại học khởi nghiệp" thì ba nhiệm vụ chính là đào tạo - nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo cần có vai trò ngang nhau. 

Ông Khôi tập trung phân tích 5 tiêu chuẩn quan trọng với một trường đại học khởi nghiệp theo cách đánh giá của Tổ chức Kiểm định đại học khởi nghiệp tại châu Âu. Với tiêu chuẩn đầu tiên là "Định hướng và chiến lược", ông Khôi cho rằng trường đại học khởi nghiệp cần có những cam kết, định hướng về chiến lược khởi nghiệp trong nhiệm vụ đề ra. Đồng thời nhà trường phải có mục tiêu chia sẻ về khởi nghiệp để tất cả thành viên đều biết. Bên cạnh đó là một kế hoạch tài chính ổn định để có thể thực thi những hoạt động khởi nghiệp.

Với tiêu chuẩn "Bộ máy quản trị con người", ông Khôi cho rằng, hoạt động, sứ mệnh, tiêu chí và những bộ máy quản trị của trường đại học cần tạo điều kiện, thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo như chia sẻ, chấp nhận rủi ro cũng như đưa ra chế độ khen thưởng, động viên phù hợp.

Về "Nguồn lực", trường đại học cần xây dựng văn hóa khuyến khích giảng viên, sinh viên có thể suy nghĩ và hành động như là người khởi nghiệp. Đồng thời định hướng những chính sách, dự án, đề tài để hỗ trợ… Tiếp theo, việc "Đào tạo - Nghiên cứu khoa học" của nhà trường phải cho sinh viên cơ hội cải tiến kiến thức, kỹ năng, hành động liên quan đến khởi nghiệp. Hướng tới mục tiêu hỗ trợ việc tạo ra những trí tuệ có thể khai thác trong tương lai.

Trường đại học cũng phải có những hoạt động hướng tới thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, bao gồm chuyển giao công nghệ, đào tạo cơ cấu, sàng lọc những doanh nghiệp có khả năng. Nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là "Đổi mới sáng tạo và tác động của nó". Theo đó, trường đại học phải liên tục đổi mới sáng tạo, liên tục cải tiến, phát triển và tạo ra tác động tích cực trong xã hội. Như vậy mới thể hiện rõ vai trò của đại học khởi nghiệp.

Nguyễn Trần

Top