Bài 2: Duy trì và phát huy cơ chế 'một cửa tại chỗ' tại các KCX, KCN

28/10/2022 8:34 AM

(Chinhphu.vn) - Từ thực tiễn xây dựng và phát triển khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trong 30 năm qua, Ban Quản lý các KCX, KCN đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế "một cửa tại chỗ" để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại KCX, KCN, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào các KCX, KCN.

Bài 2: Duy trì và phát huy cơ chế 'một cửa tại chỗ' tại các KCX, KCN - Ảnh 1.

Thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 là từng bước chuyển đổi các KCX, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao

Trước bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, sâu rộng; các KCX, KCN được thành lập thời kỳ đầu những năm 90 đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn hoạt động 50 năm của dự án - tất cả những yếu tố này đặt ra cho các KCX, KCN Thành phố phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, Thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 có tính đến năm 2030 là từng bước chuyển đổi các KCX, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Xây dựng các KCN mới theo các mô hình: KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao, KCN - đô thị - dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT, gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN.

Tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 01 ha từ 6,23 triệu USD lên 15 triệu USD vào năm 2025. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN Hiệp Phước thành KCN sinh thái. Triển khai 01 KCN mới kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Để làm được điều này, ông Hưng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư vào các KCX, KCN phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Thành phố. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ.

Cũng theo ông Hưng, cần chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý "một cửa tại chỗ", đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các tổ chức chính trị trong việc quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KCX, KCN.

"Từ thực tiễn xây dựng và phát triển KCX, KCN trong 30 năm qua, Ban Quản lý kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế "một cửa tại chỗ" để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại KCX, KCN, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào KCX, KCN.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với KCX, KCN trên các lĩnh vực quản lý theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm xây dựng Ban Quản lý trở thành một cơ quan "đầu mối tại chỗ" ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCX, KCN, nâng cao hiệu quả quản lý các KCX, KCN.

Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành Luật Khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế để thống nhất chính sách, chủ trương, điều hành và quản lý đối với hệ thống các KCX, KCN", ông Hưng nhấn mạnh.

Bài 2: Duy trì và phát huy cơ chế 'một cửa tại chỗ' tại các KCX, KCN - Ảnh 2.

Để phát triển các KCX, KCN, cần chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư

Đề xuất nghiên cứu hình thành khu kinh tế phía nam TPHCM

Còn ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cho hay, hiện Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố không được giao chức năng, nhiệm vụ về thanh tra nên phải thực hiện cơ chế "phối hợp" trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gặp nhiều khó khăn, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế tính chủ động, chưa phát huy tốt vai trò đầu mối và hiệu lực quản lý nhà nước .

Ban Quản lý là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các hoạt động trong các KCX, KCN từ cấp phép đầu tư cho đến các hoạt động sau giấy phép như lao động, xây dựng, môi trường... Để quản lý các KCX, KCN, Ban Quản lý thực hiện kiểm tra, phối hợp thanh tra các doanh nghiệp trên các lĩnh vực như: Môi trường, lao động, xây dựng, đầu tư, phòng cháy - chữa cháy; qua đó, đã kịp thời phát hiện những vi phạm, sai sót của doanh nghiệp, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ban Quản lý không được giao chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, không có thẩm quyền xử lý vi phạm, nên khi phát hiện vi phạm pháp luật trong KCN, KCX, Ban Quản lý không thể tự tiến hành thanh tra, xử phạt mà phối hợp với thanh tra chuyên ngành để triển khai. Do đó, việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm chưa kịp thời, làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Do đó, ông Năng kiến nghị nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ thanh tra cho Ban Quản lý khu công nghiệp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cũng theo ông Năng, Thành phố có các KCN đã thành lập nhưng chưa triển khai gồm: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng và các KCN đã có trong danh mục quy hoạch KCN Thành phố nhưng chưa được thành lập gồm: Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước 3; đồng thời, dự kiến bổ sung KCN Phạm Văn Hai 668 ha vào Quy hoạch phát triển KCN Thành phố (để thay thế cho 3 KCN dự kiến đưa ra khỏi quy hoạch là Phước Hiệp, Bàu Đưng, Xuân Thới Thượng).

Từ đó, ông Năng đề xuất thúc đẩy thu hút đầu tư các KCN mới theo hướng phát triển các cụm liên kết ngành và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong KCN; phát triển các mô hình KCN mới (KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao) được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với các KCN hiện hữu, cần chuyển đổi KCN theo chiều sâu, KCN sinh thái, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, ông Năng cũng đề xuất việc nghiên cứu hình thành khu kinh tế nằm ở hướng nam Thành phố.

Việc thành lập Khu Kinh tế phía nam Thành phố là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn hiện nay, không chỉ tạo động lực phát triển cho riêng TPHCM mà còn cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Còn theo ông Trần Tựu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Savipharm,  Khu chế xuất Tân Thuận, để giữ chân các nhà đầu tư với các dự án hiệu quả hiện có; đồng thời, khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư mới với các dự án được ưu tiên lựa chọn, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư thuận lợi và các chính sách khuyến khích đầu tư.

Trước hết, cần nghiên cứu đơn giản tối đa các thủ tục hành chính; hoàn thiện các quy trình đầu tư, danh mục các dự án đầu tư ưu tiên lựa chọn; công bố các chủ trương của Thành phố về việc ổn định và phát triển các KCX, KCN hiện có; sớm hoàn thiện và công bố Bản quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn Thành phố đến năm 2040. Từ kinh nghiệm đầu tư thành công khu chế xuất Tân Thuận (vào năm 2021), đề xuất quy hoạch, thiết kế, đầu tư hoàn thiện một khu công nghiệp mới, kiểu mẫu, hiện đại làm tiền đề cho việc phát triển các khu công nghiệp mới của Thành phố.

Bài 3: Kinh nghiệm phát triển KCN, KCX - Nhìn từ KCX đầu tiên của Việt Nam

Anh Thơ

Top