Bất cập trong giáo dục: Có nguyên nhân cơ chế không còn phù hợp

07/06/2016 6:23 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tương tự như nhiều địa phương, những bất cập trong giáo dục của TPHCM hiện nay có một phần nguyên nhân do những cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Do đó, trong quá trình xây dựng đề án phát triển giáo dục, Thành phố cần thể hiện rõ nét những vấn đề khó khăn, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến cơ chế chính sách.

Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM bàn về những vấn đề liên quan đến phát triển GD-ĐT trên địa bàn Thành phố. Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo tình hình, trong đó nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển GD-ĐT tại Thành phố, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để phát triển giáo dục một cách bền vững, TPHCM cần sớm xây dựng “Đề án tổng thể phát triển giáo dục trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2035”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tương tự như nhiều địa phương, những bất cập trong giáo dục của TPHCM hiện nay có một phần nguyên nhân do những cơ chế, chính sách không còn phù hợp. Do đó, trong quá trình xây dựng đề án phát triển giáo dục, Thành phố cần thể hiện rõ nét những vấn đề khó khăn, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến cơ chế chính sách, từ đó tổng hợp kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Bộ trưởng cũng nhất trí với những ý kiến đề xuất của lãnh đạo Thành phố như: Di dời các trường đại học ra ngoại thành; tập trung hoàn chỉnh các quy định hiện hành phù hợp với xu thế hội nhập (gắn với thị trường lao động, đổi mới chương trình, giảm tải…) và thực hiện phân cấp, phân quyền cho Thành phố triển khai.

Đồng thời, thống nhất với ý kiến đề xuất của Thành phố về việc giao quyền cho các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tự thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT; giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tại Thành phố được tự quyết chương trình giảng dạy, nhập khẩu các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài trên cơ sở bảo đảm tốt chất lượng...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ đạo ngành giáo dục TPHCM cần mạnh dạn xử lý dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn, vì đây cũng là chủ trương chung, đang được Bộ đẩy mạnh thực hiện trên phạm vi cả nước.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá chất lượng và hiệu quả GD-ĐT của Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành học mầm non, tiểu học, trung học và bậc đại học đều có những bước chuyển nhanh về quy mô, học vấn trung bình của người dân Thành phố được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng học sinh trên địa bàn Thành phố tăng cao (trung bình khoảng 65.000 học sinh/năm). Đây cũng là yếu tố chính gây nhiều áp lực đối với việc bảo đảm chất lượng giảng dạy, cũng như tổ chức cho học sinh học tập, sinh hoạt…, nhất là ở lĩnh vực giáo dục mầm non.

Theo ông Sơn, hiện nay nhu cầu gửi trẻ của người dân Thành phố là rất cao, đặc biệt là những gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trong khi thực tế cơ sở mầm non tại Thành phố còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để phát triển giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị Trung ương cho phép một số cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giúp TPHCM chủ động triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Cụ thể, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị cho phép Thành phố được tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng, dựa trên khung của Bộ GD&ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: Một số môn học bắt buộc như: Văn - tiếng Việt, toán, ngoại ngữ và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa là 8 môn trong 1 năm.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT; giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình đào tạo, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh...

Ngoài ra, cho phép Thành phố một số cơ chế khác như: Học sinh các trường chuyên được thi một số môn đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng; nhà trường, giáo viên được đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD&ĐT đánh giá chung giữa và cuối cấp học làm cơ sở đánh giá kết quả; các trường được chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn phù hợp với từng loại hình đào tạo…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu cho phép Thành phố cơ chế đặc thù phát triển giáo dục, bởi hiện nay TPHCM đang nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Hơn nữa, với đặc thù là đô thị đặc biệt với 13 triệu dân, TPHCM là điển hình phù hợp để Trung ương thí điểm triển khai những cơ chế, chính sách đột phá, từ đó đúc kết nhân rộng ra cả nước.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu ngành GD-ĐT Thành phố quyết liệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Trong đó, phải kiên quyết chấm dứt ngay tình trạng dạy thêm học thêm trên địa bàn, cũng như tập trung đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực GD-ĐT nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, trang bị cơ sở vật chất…

Phan Hoàng

Top