Bức tranh kinh tế quý I/2025 của Thành phố: Nhiều tín hiệu khởi sắc
(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong quý I/ 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo đó, để đạt được kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua, Sở Công Thương TPHCM đã tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp bán lẻ tổ chức nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi để dịch vụ - tiêu dùng bức tốc, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của Thành phố.
Lĩnh vực bán lẻ tăng trải nghiệm và sự tiện lợi cho khách hàng
Là hệ thống bán lẻ chiếm thị phần số 1 tại TPHCM với doanh thu gần 30 nghìn tỷ đồng năm 2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM ( Saigon Co.op) đặt mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2025.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, để đạt được con số này, không chỉ nhờ vào việc thường xuyên tổ chức chương trình khuyến mại mà đơn vị phải tính đến việc tăng trải nghiệm và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm.
Ông Đức cho hay, trong thời gian tới, Saigon Co.op có sự kết hợp giữa những mô hình để cho khách hàng mua trực tiếp và mô hình để cho đối tượng khách hàng đặt ở trên app, trên web nhưng sẽ được phục vụ bởi đội ngũ cán bộ nhân viên hoặc là đội ngũ đối tác thông qua hình thức shipper đi chợ.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) trong quý I/2025, bên cạnh thương mại điện tử, hoạt động mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại có tỉ lệ tăng trưởng doanh thu tốt từ 20% đến 30%.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho rằng, vai trò của thương mại bán lẻ có tác động rất lớn đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số của Thành phố. Hiện nay, thương mại dịch vụ và bán lẻ đóng góp khoảng 65% vào GRDP của TPHCM. Điều này cho thấy, trong các động lực tăng trưởng, thương mại tiêu dùng được xem là một trong những trụ cột quan trọng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh của thương mại - dịch vụ tại TPHCM có đóng góp quan trọng của ngành du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thời gian qua, ngành du lịch Thành phố đã cải tạo, làm mới nhiều khu du lịch (đặc biệt là khu trung tâm) và nỗ lực xây dựng cảnh quan nội đô sạch, xanh, an toàn nhằm cải thiện hình ảnh đẹp trong mắt du khách. Không những thế, ngành du lịch còn kết hợp với các ngành tổ chức các lễ hội, sự kiện, hội chợ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người dân thành phố và du khách. Nhờ vậy, lượng khách du lịch tới Thành phố tăng cao. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,6%; dịch vụ lữ hành tăng 13,6%.
Lũy kế trong 3 tháng năm 2025, khách quốc tế đến TPHCM ước đạt gần 1,64 triệu lượt, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước.Trong khi đó, khách du lịch nội địa đến TPHCM, lũy kế 3 tháng năm 2025 ước đạt gần 8,6 triệu lượt, tăng 6,3% so cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 56.660 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong 3 tháng năm 2025, khách quốc tế đến TPHCM ước đạt gần 1,64 triệu lượt, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước. Ảnh: VGP/Lê Anh
Nhiều tín hiệu tích cực
Cùng với sự tăng trưởng tích cực của lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn TPHCM cũng có nhiều tín hiệu khả quan.
Theo kết quả khảo sát của HUBA về tình hình sản xuất kinh doanh của DN hội viên trong quý I/2025, cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp vẫn khá ổn định, có tới 63% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh đang tích cực và 85,7% số doanh nghiệp tin tưởng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Mặc dù gần 70% số doanh nghiệp có doanh thu bán hàng tăng, nhưng do chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, nhân công...) tăng cao, nên có tới 39% số doanh nghiệp lợi nhuận giảm.
Trong bức tranh kinh doanh của quý I/2025, ngành lương thực thực phẩm là lĩnh vực có nhiều khởi sắc nhờ nhu cầu hàng hóa thiết yếu tăng cao trên thế giới và lợi thế tuyệt đối của các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của nước ta (dừa, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, điều, thủy sản..) trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy, doanh số bán lẻ hàng hóa nhóm này tăng lên đáng kể, ấn tượng nhất là ngành hàng dịch vụ ăn uống. Dự báo năm 2025 ngành lương thực - thực phẩm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức trên 8%, đặc biệt là các phân khúc thực phẩm chế biến sâu, thực phẩm hữu cơ, và thực phẩm chức năng...
Trong quý I/2025, ngành dệt may của thành phố đã có những bước tiến đáng kể, duy trì được đà tăng trưởng, nhờ vào việc đa dạng hóa thị trường và đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng ổn định, kéo dài cho cả năm. Các doanh nghiệp đang tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển đơn hàng và nhu cầu tăng tại các thị trường lớn.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ, EU bị giảm nhẹ do thương chiến về thuế suất, thách thức về đơn giá và sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn tồn tại, đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng từ phía doanh nghiệp.
Trong khi đó, ngành xuất khẩu gỗ có doanh số tăng nhẹ. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 6/2025, nhưng chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước ASEAN về giá cả và thị trường cũng chưa thật sự khả quan nên doanh nghiệp ngành khá thận trọng vay vốn đầu tư.
Theo HUBA, chủ trương tăng cường đầu tư công của Nhà nước đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, tạo động lực tích cực cho các ngành liên quan xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong khi đó, nhiều dự án bất động sản đã được tháo gỡ pháp lý, nhiều dự án đóng băng nay đã sáng đèn trở lại, công tác giải phóng nhà ven kênh rạch được đẩy mạnh. Khách hàng đang lấy lại niềm tin và một số doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi, xây dựng kế hoạch phát triển mới, bền vững trong những năm sau, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản KCN và đô thị.

Theo HUBA, chủ trương tăng cường đầu tư công của Nhà nước đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, tạo động lực tích cực cho các ngành liên quan xây dựng và vật liệu xây dựng. Ảnh: VGP/Lê Anh
Với những thuận lợi, thách thức đan xen của doanh nghiệp, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA kiến nghị UBND TPHCM đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh. Riêng vấn đề vốn, theo HUBA, cộng đồng doanh nghiệp có một số kiến nghị ngân hàng gia hạn lâu dài chính sách giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN để giúp doanh nghiệp trả nợ cũ và bổ sung vốn lưu động.
Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và có chính sách để phát triển, thu hút và đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, hay các kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài.
Lê Anh