Các DN ngành gỗ phải làm gì để có thể bán tín chỉ Carbon

07/03/2024 5:56 PM

(Chinhphu.vn) - Việt Nam với hơn 14 triệu ha rừng, nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Song để tạo ra được tín chỉ carbon các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Các DN ngành gỗ phải làm gì để có thể bán tín chỉ Carbon- Ảnh 1.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam” - Ảnh: VGP/Xuân Anh

Trong khuôn khổ Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất (Hawa Expo 2024), chiều ngày 7/3, đã diễn ra Tọa đàm "Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam".

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực và dự kiến cả năm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Mẫn cho rằng, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ cần hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng các thi trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho DN, trong đó có vấn đề tài chính carbon và thị trường carbon.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), gỗ đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon, là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác với cùng mục đích sử dụng như sản xuất đá, mỹ nghệ từ đá, hoặc các ngành sản xuất nguyên vật liệu khác như nhựa, bê tông, thép… nên ngành gỗ có thể tận dụng thay thế cho các nguyên liệu trên trong xây dựng để giảm phát thải carbon.

Đặc biệt, Việt Nam với hơn 14 triệu ha rừng, nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Song để tạo ra được tín chỉ carbon các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Theo TS. Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) để thúc đẩy các DN tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Theo đó, các cơ chế, chính sách cần tập trung vào các khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận. Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay trên thế giới, tổ chức dẫn đầu triển khai Cơ chế REDD+ (Cơ chế: Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng) là Ngân hàng Thế giới (World Bank). Cụ thể, hiện World Bank đang ký kết với 15 quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), giá chi trả trung bình cho mỗi tấn hấp thụ carbon rừng là 5 USD, trong đó khoảng 95% số tín chỉ thu được sẽ được tính vào đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia đó, 5% số tín chỉ còn lại sẽ do World Bank nắm giữ.

Vừa qua, theo ký kết với Ngân hàng thế giới (World Bank), lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, dự kiến thu về 51,5 triệu USD. Năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta nhận được tiền chi trả là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, và Quảng Trị.

Anh Lê

Top