Căn hộ cao cấp áp đảo chung cư giá rẻ

19/01/2021 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Báo cáo nhà ở năm 2020 của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa công bố cho biết, trong khi phân khúc căn hộ cao cấp đang có tỉ trọng rất lớn thì phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Phối cảnh một dự án BĐS tại TPHCM.

Theo HoREA, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM năm 2020 về cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị đóng băng, cũng không bị “bong bóng”, nhưng tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Khảo sát từ thực tế dự án nhà ở đang chào bán trên thị trường, phân khúc cao cấp chiếm tỉ lệ khoảng 70%, đây là thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2 căn hộ) chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020.

Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự "lệch pha" sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Hiện vẫn rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững.

Báo cáo của HoREA cho biết Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 31 dự án, giảm 16 dự án so với năm 2019. Về sản lượng nhà ở, thị trường ghi nhận 16.895 căn được huy động vốn, giảm 30,4% so với năm 2019.

Tuy vậy, giá nhà vẫn tăng nóng trong năm 2020. Giá căn hộ tại khu vực các quận trung tâm của Thành phố, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm, tương đương khoảng 5.000-7.000 USD/m2; tại khu vực Quận 9, khoảng trên dưới 2.000 USD/m2, tùy theo vị trí và đẳng cấp của dự án. Nguyên nhân do rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường và do các chủ đầu tư dự án muốn “tối đa hóa lợi nhuận”, nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỉ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán các dự án nhà ở trong năm 2020.

Do đó, HoREA cho rằng các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS nên xem xét tăng tỉ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, dù lợi nhuận thấp nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro. Qua đó, góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.

Và trên cơ sở kiểm soát hiệu quả đại dịch CoViD-19 và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô năm 2020, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ và cũng là năm đầu của kế hoạch 5 năm, nhiều dự án hạ tầng trên địa bàn và khu vực được triển khai và đưa vào sử dụng, đề án chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới, triển khai thành lập TP. Thủ Đức…; cùng với việc nhiều bộ luật như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, HoREA tin rằng sẽ giúp tháo gỡ các “nút thắt” còn vướng mắc trong lĩnh vực BĐS, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS của cả nước, trong đó có TPHCM phát triển.

Lê Anh

Top