Chi gần 5,9 tỷ đồng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân hậu COVID-19
(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng đề án Chương trình "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch COVID-19" trở nên cấp thiết như một hành động nhân văn, ý nghĩa của chính quyền Thành phố đối với những công dân đã cùng Thành phố vượt qua đại dịch.
Dự kiến, từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2024, Sở Y tế Thành phố và Trường Đại học Sư phạm Thành phố chủ trì phối hợp với Thành đoàn Thành phố và Trường Đại học KHXH&NX, Đại học Quốc gia Thành phố triển khai Chương trình "Chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu COVID-19 cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh".
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị về chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu COVID-19 cho người dân Thành phố sáng 18/6.
Theo đó, các đối tượng thụ hưởng bao gồm các nhóm cư dân thành phố theo tuổi, giới, ngành nghề lao động như sau:
Nhóm cư dân yếu thế: Trẻ em mồ côi do dịch COVID0-19, trẻ em, phụ nữ, phụ nữ mang thai, người vô gia cư, người lao động nghèo; nhóm thanh thiếu niên trên các địa bàn dân cư; nhóm học sinh (các bậc học trung học) và sinh viên (bậc giáo dục nghề); nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 với các triệu chứng kéo dài hậu COVID về sức khỏe tâm thần; nhóm lao động tuyến đầu chống dịch (y tế, quân đội, công an, vệ sinh môi trường và tình nguyện viên)
Tại Việt Nam, nhiều chương trình chăm sóc tinh thần cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang được triển khai trên toàn quốc ở các quy mô khác nhau.
Tháng 7/2021, dự án "PsyCare - chăm sóc tinh thần mùa COVID" được Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM triển khai thực hiện nhằm tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho người dân ở khu cách ly; bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến; các chiến sĩ quân đội tham gia công tác chống dịch; và sau đó là chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho quân nhân QK7 hậu COVID-19.
Tính cấp thiết
Đại dịch COVID-19 tiếp tục là vấn đề sức khỏe toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Các tổn thương tâm lý, thần kinh đối với người nhiễm SARS-CoV-2 đã được ghi nhận liên tục trong và sau dịch.
Chuyên gia Kazuki Matsumoto và cộng sự đã thực hiện các nghiên cứu tại Nhật Bản và Thụy Điển trên 763 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhằm đánh giá về các triệu chứng như: Trầm cảm, rối loạn lo âu và tổn thương căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Kết quả cho thấy khoảng 37% bệnh nhân xuất hiện các tổn thương tâm lý, rối loạn tâm thần hậu COVID từ nhẹ đến nặng; người đã nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ cao hơn từ 2,44 đến 3,48 lần so với người chưa nhiễm trong rủi ro mắc rối loạn tâm thần hậu COVID-19.
Trong 6 tháng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, TPHCM đã huy động tổng lực hệ thống y tế với hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế tham gia, trong đó có 25.000 nhân viên y tế chi viện từ các vùng khác. Bên cạnh đó là sự tham gia của hàng trăm ngàn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, giáo viên, đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên… từ nhiều ngành nghề khác nhau tham gia vào công tác chống dịch của Thành phố.
Dù đã có nhiều chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố, nhưng với sự bùng phát dữ dội của dịch bệnh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, nằm ngoài những hiểu biết của y văn thông thường, hậu quả mà Thành phố phải hứng chịu là rất lớn, đặc biệt là về mặt tinh thần.
Các tổn thương về tâm lý, thần kinh được ghi nhận hàng loạt ở những người đã nhiễm COVID-19 ngay sau khi sóng dịch kết thúc. Tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, hụt hơi, ho, đau ngực, sương mù não, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm… đã được báo cáo xuất hiện trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ nặng đến nhẹ.
Tất cả những triệu chứng đó còn có thể bao gồm nhiều vấn đề sức khỏe tiếp diễn nghiêm trọng khác mà gọi chung là di chứng COVID hay hội chứng hậu COVID (PCC).
Hội chứng này hiện nay xuất hiện trong một phổ rộng từ những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng cho tới những người bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có những chương trình nghiên cứu, can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố được tiến hành một cách toàn diện..
Những hiểu biết về thực trạng mắc các rối nhiễu tâm lý, các tổn thương thần kinh trong nhóm người bệnh nhiễm COVID-19 và những người thân trong gia đình, nhóm người làm việc trên tuyến đầu chống dịch, nhóm người yếu thế cần nhận sự chăm sóc đặc biệt sau dịch đều còn rất hạn chế. Điều này phần nào khiến việc thiết kế triển khai một chương trình hành động nhằm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố gặp ít nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các cơ quan lãnh đạo, cơ quan chuyên môn y tế của Thành phố cũng đã nhận ra những tác động đáng quan ngại của các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dân ảnh hưởng đến các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Vì vậy, việc xây dựng đề án chương trình "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch COVID-19" trở nên cấp thiết như một hành động nhân văn, ý nghĩa của chính quyền thành phố đối với những công dân đã cùng thành phố vượt qua đại dịch.
Mục tiêu chung
Mục tiêu của Chương trình là nhằm phát hiện, dự phòng, trợ giúp và tư vấn cho người dân thay đổi nhận thức, hành vi và quan tâm hơn đến việc chăm sóc, tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của bản thân, gia đình, và cộng đồng hậu COVID-19.
Chăm sóc đại trà và chăm sóc chuyên biệt về sức khỏe tâm thần hậu COVID-19, tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng vệ của người dân với những khó khăn, rối nhiễu về mặt tinh thần, đặc biệt là các yếu tố then chốt trong việc xây dựng đời sống tinh thần khỏe mạnh, hạnh phúc góp phần đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe, tinh thần của cá nhân và gia đình.
Xây dựng và củng cố lâu dài hệ thống/mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc/điều trị đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 của người dân Thành phố, đảm bảo các khâu thiết yếu trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần: phát hiện, dự phòng và hỗ trợ/can thiệp.
Nâng cao nhận thức của nhân dân Thành phố ảnh hưởng của hội chứng hậu COVID-19 bằng các biện pháp truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe tâm thần để phát hiện, dự phòng và hỗ trợ tinh thần cho người dân thuộc mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Chuyên môn hóa và dần chuyên nghiệp hóa mạng lưới nhân viên y tế/người hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua bồi dưỡng và xây dựng khẩn cấp các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ, chăm sóc tinh thần và can thiệp rối nhiễu sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 chuyên sâu cho người dân Thành phố.
Dự kiến, TPHCM sẽ chi gần 5,9 tỷ đồng cho Chương trình này.
Anh Thơ