Chính sách an sinh xã hội nhận được sự đồng thuận, đồng hành của nhân dân

21/09/2022 10:39 AM

(Chinhphu.vn) - Nhờ tổ chức tốt giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình và triển khai thực hiện nên các chính sách an sinh xã hội tại TPHCM đã nhận được sự đồng thuận, đồng hành của nhân dân, trở thành nguồn lực quan trọng, tạo hiệu ứng rất tích cực, lan toả trong đời sống.

Chính sách an sinh xã hội nhận được sự đồng thuận, đồng hành của nhân dân - Ảnh 1.

Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Ngày 20/9, Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 được tổ chức tại TPHCM để nghe các tỉnh, thành phía Nam chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình này.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong chính sách người có công và các chương trình an sinh xã hội. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn gồm: Nhà ở cho người có công; trợ giúp xã hội; trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; tỉ lệ đi học đúng tuổi; bảo hiểm y tế; tiêm chủng mở rộng.

Với TPHCM, trong 10 năm qua chính sách xã hội không chỉ đạt hiệu quả mà còn tiếp tục duy trì và giữ được tính bền vững của chính sách an sinh xã hội.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM cho biết, Thành phố đã huy động được nguồn lực to lớn để chăm lo cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn như hỗ trợ về nhà ở, học bổng, phương tiện đi học, phương tiện làm ăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tặng thẻ bảo hiểm y tế…

Về kinh nghiệm của TPHCM trong triển khai hoạt động giám sát quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hằng năm, các đơn vị chức năng đều tổ chức giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, kiểm tra việc triển khai chính sách và sử dụng vốn, kinh phí nhằm tháo gỡ vướng mắc cũng như phát hiện và chấn chỉnh các trường hợp sai phạm…

Nhờ vậy, chính sách an sinh xã hội của Thành phố đã nhận được sự đồng thuận trong nhân dân. Các mạnh thường quân, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia, đồng hành với chính sách xã hội của Thành phố, trở thành nguồn lực quan trọng, tạo hiệu ứng rất tích cực, lan toả trong thực hiện chính sách xã hội, góp phần gây dựng hình ảnh "Thành phố nghĩa tình".

Đối với tỉnh Bình Dương, bên cạnh thành tựu tích cực trong chính sách ưu đãi người có công, tỉnh triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, tạo việc làm. Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã thực hiện nhiều phương thức hiệu quả trong kết nối cung cầu lao động, thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động. Trong 10 năm qua, tỉnh đã liên kết lao động với hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới tăng thêm cho hơn 45.000 lao động.

Bình Dương thực hiện tốt công tác tạo việc làm thông qua hình thức vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Đến năm 2021, đã cho vay 17.870 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 80.000 lao động, góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp và các vấn đề liên quan.

Trong khi đó, với Kon Tum, một địa phương miền núi với đông đồng bào dân tộc thiểu số đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về đảm bảo nhà ở tối thiểu, đảm bảo nước sạch, bảo đảm thông tin truyền thông...  Hiện nay tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ cho 2.037 hộ nghèo, 1.156 hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. Đến cuối năm 2020, có 90% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 85% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới bưu chính, chuyển bưu chính phát triển rộng khắp, đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận sau 10 năm triển khai thực hiện, song hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đảm bảo được tính bao trùm xã hội, chưa huy động được sự tham gia của các chủ thể ngoài Nhà nước.

Trên thực tế ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh; một bộ phận hộ nghèo còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc tuy được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững chưa cao.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam trong thời gian tới cần phải tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội để phục hồi sau dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững để chống chịu với những biến cố bất ngờ như dịch bệnh vừa qua.

Băng Tâm

Top