Chống kẹt xe: Cần kiên quyết giải tỏa lòng lề đường
(Chinhphu.vn) - Để giải quyết tình trạng kẹt xe tại thời điểm hiện nay, TPHCM không nên quá trông chờ các dự án lớn như Metro mà cần triển khai ngay các giải pháp cấp bách, dù nhỏ nhưng mang lại hiệu quả như: kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bổ sung biển báo, điều chỉnh đèn tín hiệu...
![]() |
Xe cộ ùn tắc tại khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám trên tuyến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. |
Thực tế thời gian gần đây, tình trạng kẹt xe tại TPHCM đang tiếp tục tái diễn và có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu vực cửa ngõ phía Đông, Nam ở các tuyến đường dẫn vào khu vực trung tâm TP vào các khung giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.
Những điểm “nóng” về kẹt xe có thể kể đến là khu vực ngã tư Thủ Đức, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Bạch Đằng, giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư, giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ hay khu vực đường Trường Chinh đoạn từ ngã ba Bà Quẹo đến Âu Cơ, quận Tân Bình…
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe tăng, Sở GTVT TPHCM cho rằng lượng phương tiện giao thông cá nhân và số lượng người nhập cư vào TP tăng cao là nguyên nhân gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông đô thị của Thành phố.
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, năm 2010 toàn TP có khoảng 4,9 triệu phương tiện giao thông. Đến cuối năm 2012, số xe tại TP tăng lên gần 6 triệu chiếc và đến cuối năm 2014, toàn TP có hơn 7 triệu phương tiện. Tính riêng số lượng xe gắn máy, TPHCM đang là địa phương có lượng xe gắn máy đứng đầu cả nước với 6,4 triệu phương tiện.
Điều đáng nói là trong khi số lượng phương tiện giao thông tại TP không ngừng tăng, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng nhu cầu. Thống kê đến năm 2014, toàn Thành phố có trên 26 triệu km2 mặt đường giao thông - không đủ đáp ứng khối lượng phương tiện lên đến hơn 7 triệu chiếc.
Cũng theo Sở GTVT TPHCM, nguyên nhân nữa khiến tình trạng kẹt xe tăng trong thời gian gần đây một phần là do lượng lớn học sinh tại các trường học trên địa bàn Thành phố bắt đầu đi học trở lại.
Về biện pháp giải quyết tình trạng kẹt xe trong thời gian tới, đối với khu vực cửa ngõ phía Nam, TP đang tiến hành mở rộng mặt đường bằng cách xén thêm các dải phân cách trước đây dùng để trồng cây xanh hướng từ cầu Kênh Tẻ chạy dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ đến cầu Rạch Đĩa. Dự kiến trong năm 2016, TP sẽ xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ để giảm áp lực giao thông trong khu vực.
Còn tại cửa ngõ phía Đông, tạm thời TP sẽ tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại các nút giao. Về lâu dài, có thể tính toán mở rộng đường Nguyễn Thị Định mỗi chiều thêm một làn ô tô. Ngoài ra, có thể xén lề bộ hành để mở rộng thêm một làn ô tô trên cầu Giồng Ông Tố 2...
Cần triển khai ngay các giải pháp cấp bách
Trao đổi về giải pháp cấp bách chống kẹt xe tại TPHCM hiện nay, các chuyên gia giao thông cho rằng TP cần tập trung làm tốt các giải pháp cấp bách trong khi chờ các giải pháp công trình dài hạn như Metro, xe buýt nhanh hoàn thành.
Theo PGS. TS Phạm Xuân Mai – Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, trong bối cảnh các giải pháp hạn chế xe cá nhân vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi, TP cần khẩn trương tăng cường các lực lượng chuyên trách (CSGT, cán bộ Sở GTVT…) tham gia điều phối giao thông tại các giao lộ, các tuyến đường có nhiều điểm rẽ ngang tại những khu vực “nóng” về tình trạng kẹt xe, những khu vực tập trung nhiều trường học, cơ quan, công sở…
Bên cạnh đó, TP cần sớm triển khai các phương án xử lý phù hợp đối với các điểm giao cắt như: mở rộng các điểm rẽ hoặc phân luồng bớt lượng xe qua các đường nhánh để giảm áp lực ở tuyến đường chính. Đồng thời, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp, bởi tại các nút giao tùy từng thời điểm lượng xe trên các tuyến đường khác nhau.
Cũng theo PGS. TS Phạm Xuân Mai, vấn đề bất cập nữa, không riêng của TPHCM mà còn ở các địa phương khác là trong quản lý có sự tách biệt giữa ngành quản lý giao thông và ngành quản lý đô thị. Nhiều khu đô thị được xây dựng trong khi cơ sở hạ tầng, diện tích đường xá… trong khu vực chưa thể đáp ứng dẫn đến tình trạng kẹt xe.
Để giải quyết vấn đề này, cần quy các mặt công tác quản lý giao thông và quản lý đô thị về một mối, do một “nhạc trưởng” đứng đầu.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh lại cho rằng, trong bối cảnh tình trạng kẹt xe đang tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng, việc TP cần làm ngay là điều chỉnh quy hoạch giao thông cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đó, khẩn trương áp dụng các biện pháp khoa học như lắp đặt camera tại các điểm giao, các tuyến đường trong điểm…, tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Trên cơ sở thực tế ghi nhận được, đưa ra các phương án, kịch bản phát triển giao thông, từ đó xây dựng quy hoạch phát triển giao thông một cách bền vững.
Để giải quyết tình trạng kẹt xe tại thời điểm hiện nay, TPHCM không nên quá trông chờ các dự án lớn như Metro mà cần triển khai ngay các giải pháp cấp bách, dù nhỏ nhưng mang lại hiệu quả như: kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bổ sung biển báo, điều chỉnh đèn tín hiệu...
Phan Hoàng