Chưa cấp phép cho shipper hoạt động liên quận

12/09/2021 8:05 PM

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp báo định kỳ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 12/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, việc cho phép giao hàng công nghệ (shipper) chạy liên quận, huyện phải chờ quyết định của UBND TPHCM.

Cuộc họp báo chiều ngày 12/9. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng, thực tế, shipper chạy liên quận huyện có ưu điểm là sẽ phục vụ được nhiều đơn hàng hơn, đa dạng nguồn cung cho người dân. Tuy nhiên, shipper chạy liên quận có nguy cơ lây lan dịch từ vùng này qua vùng khác.

Liên quan đến việc quản lý kiểm tra giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TPHCM đã cấp giấy đi đường và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của UBND TPHCM phù hợp trên từng giai đoạn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuần tra, kiểm soát.

Đến nay, Công an TPHCM đã lắp đặt được 109 trạm kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR để tiến hành kiểm tra tại các điểm chốt trên địa bàn.

"Theo thống kê, kết quả kiểm tra từ ngày 6/9 đến 11/9, tại 914 chốt trạm kiểm soát toàn thành phố, Công an TPHCM đã tiến hành kiểm tra hơn 1.383.500 lượt phương tiện các loại ôtô, xe khách, xe tải, xe máy. Kiểm tra 669.331 lượt người, trong đó có 434 người nước ngoài.

Lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp với số tiền là hơn 6,8 tỷ đồng. Tỉ lệ vi phạm trên số lần kiểm tra là 0,595%, tức khoảng 170 người kiểm tra thì có một người vi phạm. Lỗi vi phạm chính là ra đường không có lý do chính đáng", Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, Công an TPHCM tăng cường ứng dụng CNTT, quét mã QR, đồng thời cũng tăng tuần tra, kiểm tra, xử lý trong khu dân cư, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về giả danh, làm giả giấy tờ.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm, ngày 11/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can và tạm giam 2 tháng đối với Trần Vũ Hàn Minh Nhật (sinh năm 1987, ngụ phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức) và Võ Thành Phúc (sinh năm 1969, ngụ Quận 7) về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo Điều 339 Bộ luật Hình sự. Ngày 12/9, Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can này.

Về cấp phát túi an sinh, theo đại diện UBMTTQ Việt Nam TPHCM, về túi quà an sinh, từ ngày 4-15/8 đã thực hiện trao cho người dân 266.000 túi, từ 15/8 đến nay trao 1,788 triệu túi. Tính tổng cả 2 đợt, Trung tâm An sinh thực hiện trao trên 2 triệu túi, bình quân trao trên 50.000 túi/ngày. Thời gian qua, có ngày không thực hiện cấp phát nhưng có những ngày chuyển tới 150.000 túi an sinh đến với người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Hiện nay, việc thực hiện túi an sinh của TPHCM do ban thường trực UBMTQ Việt Nam Thành phố và Trung tâm an sinh vận động từ nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất từ nguồn do các cơ quan Trung ương vận động hỗ trợ, thứ hai do các tổ chức thành viên Mặt trận thực hiện, thứ ba từ nguồn các tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ và thứ tư là từ nguồn của các doanh nghiệp hỗ trợ.

Liên quan đến xác nhận F0 khỏi bệnh, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu đưa ra lời khuyên, người dân khi tự test nhanh, xác định dương tính COVID-19 không nên tự điều trị, cần báo y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly, cấp túi thuốc điều trị và được cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly.

Ông Châu cho hay, hiện nhiều F0 cách ly tại nhà thắc mắc tự test dương tính, tự điều trị nên không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà nên không biết làm thế nào để được cấp thẻ xanh COVID-19.

Theo ông Châu, nếu người dân tự điều trị, không báo cho chính quyền địa phương thì rất khó cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và TP. Thủ Đức về việc cấp giấy nói trên.

Ông Châu thông tin, ngày 10/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM có công văn đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện đầy đủ các nội dung “hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19” của Bộ Y tế.

Băng Tâm

Top