Chuyển đổi số tại TPHCM: Gặp khó về kỹ thuật và con người

19/05/2023 1:43 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Năm 2021, Thành phố chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số. Con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi số tại Thành phố năng động nhất nước này vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần giải quyết.

Chuyển đổi số tại TPHCM: Thiếu nhân lực lẫn công nghệ - Ảnh 1.

TPHCM phải giải quyết "bài toán" thiếu nhân lực chuyển đổi số - Ảnh minh họa

Theo ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Chủ tịch UBND Phường 13, Quận 3, Thành phố hiện chưa đồng bộ kho dữ liệu dùng chung, kết nối đến các phường, dẫn đến việc, khi các phường thực hiện Đề án 06, mặc dù chủ tịch UBND phường là Trưởng Ban Chỉ đạo về Đề án 06 ở các phường nhưng lại không thể tiếp cận được cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa nắm bắt được công việc cụ thể mà phải thông qua trưởng công an phường.

Ngoài ra, các phường cũng chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nên chưa thể bảo đảm công tác chuyển đổi số.

Còn theo Chủ tịch UBND phường 13 (quận Gò Vấp) Nguyễn Thị Minh Tâm, hiện phường giao công việc chuyển đổi số cho cán bộ làm công tác văn phòng kiêm nhiệm thêm.

"Nếu xác định xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số mang tính định hướng và lâu dài thì phải xem công nghệ số, chuyển đổi số là nhiệm vụ chuyên môn trong đề án vị trí việc làm, có quy định rõ ràng về các khung, mô tả chức danh công việc để phục vụ việc xây dựng đề án vị trí việc làm tại phường xã phù hợp", bà Nguyễn Thị Minh Tâm nói và cho rằng cần bổ sung vào vị trí biên chế công chức văn phòng thống kê để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số và đô thị thông minh hoặc tổ công nghệ cộng đồng tại địa phương.

Còn theo Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi Huỳnh Thị Hồng Vân, cơ sở vật chất phục vụ cho chuyển đổi số ở các phường ngoại thành chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở, Sở KH&CN TPHCM cho biết, hiện nay, khối lượng công việc của UBND phường rất lớn.

Thống kê cho thấy, lãnh đạo một phường phải thực hiện 500 báo cáo/năm và dự 5-7 cuộc họp/tuần. Điển hình năm 2022, UBND một phường ở Quận 10 đã ban hành 730 văn bản, 1.513 quyết định hành chính. Tuy nhiên hiện nay, nhân lực, trang thiết bị, kinh phí ở các phường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, hình thức làm việc ở các phường vẫn chủ yếu thủ công, chưa có sự hỗ trợ nhiều của công nghệ.

Thiếu nhân lực lẫn công nghệ

Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Lâm Đình Thắng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính vẫn còn gặp khó khăn về kỹ thuật và con người.

"Để chuyển hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số thì phải có cán bộ công chức số, đội ngũ kỹ thuật và công dân số. Quá trình này phải có thời gian vừa chuyển đổi vừa huấn luyện", ông Thắng nói.

Còn theo Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh, công tác nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số là bài toán rất lớn của TPHCM. Theo đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số không những thiếu ở cơ sở mà còn thiếu ở cấp sở ngành, quận huyện. 

Qua khảo sát, một quận, huyện, sở, ngành chỉ có 1-3 nhân lực phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin và trong đó đã có 1 vị trí kiêm nhiệm là do phó văn phòng cấp sở hoặc UBND quận, huyện phụ trách.

Ở góc độ của Sở TT&TT, sở đang tập trung đào tạo để hỗ trợ lực lượng chuyên trách của các quận, huyện, sở ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời phối hợp với Bộ TT&TT cung cấp các tài liệu đào tạo trực tuyến, khóa đào tạo liên quan đến an toàn thông tin giao dịch trên môi trường số.

Đối với vấn đề nhân sự chuyển đổi số, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thêm, Sở Nội vụ TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM ban hành nhiều kế hoạch, các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyển đổi số của cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn.

Bên cạnh các lớp của UBND TPHCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng đề nghị các quận, huyện chủ động mở các lớp bồi dưỡng phù hợp nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Ngoài ra, bà Thắm cho hay, hiện nay TPHCM cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét chức danh công nghệ thông tin vào văn phòng thống kê cấp phường khi sửa đổi Nghị định 34. Về phía Thành phố, UBND Thành phố đề xuất cho phép được tự cơ cấu số lượng, quy mô cán bộ, công chức theo số dân, địa bàn, đặc thù kinh tế của địa phương tại nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đào tạo nguồn lực chuyển đổi số là nhiệm vụ TPHCM triển khai ngay từ đầu trong tiến trình thực hiện chính quyền số. Năm 2022, TPHCM đã đào tạo trên 1.000 cán bộ phục vụ chuyển đổi số. Ngoài ra, Bộ TT&TT đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho cán bộ cấp xã về chuyển đổi số. TPHCM đã giới thiệu hơn 500 cán bộ xã, phường, thị trấn tham gia chương trình. Sắp tới, các sở, ngành thành phố sẽ tiếp tục có các chương trình đào tạo cán bộ chuyển đổi số cho các địa phương.

Vũ Phong

Top