CNH-HĐH và phát triển đô thị ở Thành phố mang tên Bác
(Chinhphu.vn) - Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển đô thị.
|
|
TPHCM đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, hướng tới mục tiêu từng bước trở thành “đô thị sống tốt” theo tiêu chí các đô thị văn minh, hiện đại trên thế giới. Ảnh: VGP/Phan Hoàng |
Có thể nói CNH và đô thị hóa là 2 vế của bài toán phát triển Thành phố trong hơn 30 năm qua và có thể được xác định sự khởi đầu từ khi có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị về Thành phố năm 1982: “Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau thủ đô Hà Nội…”.
Tuy nhiên, sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển đô thị của TPHCM thực sự khởi đầu từ sau Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) và được triển khai cụ thể bằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ V, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội TPHCM giai đoạn 1996-2010 được Thủ tướng phê duyệt năm 1997.
Vai trò đối với khu vực phía Nam và cả nước
Do quá trình phát triển của lịch sử và do điều kiện tự nhiên, Sài Gòn-Gia Định và TPHCM ngày nay đã là một trung tâm kinh tế và giao lưu quốc tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, sự phát triển của Thành phố đã gắn kết với sự phát triển của cả địa bàn kinh tế phía Nam.
Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã có 3 lần ban hành nghị quyết về TPHCM (Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14/9/1982, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 và Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012).
Thành phố được xác định là hạt nhân trọng điểm của phía Nam bao gồm 8 địa phương: TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.
Từ lâu sự phát triển của TPHCM gắn liền với sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên cả 4 lĩnh vực phân bố lực lượng sản xuất: Kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo nguồn nhân lực, thị trường lao động và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đánh giá sự phát triển của Thành phố trong 20 năm từ 1981 đến năm 2000, Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ và phương hướng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố…
Phát huy tính năng động, sáng tạo để đi đầu cả nước về phát triển kinh tế, thực hiện CNH-HĐH, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, bảo vệ tốt môi trường; hình thành đồng bộ cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đi đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế, trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế với thế giới; xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với thành phố mang tên Bác.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, ngày 10/8/2012 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW tiếp tục xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm kinh tế lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á…”.
Trong 30 năm thực hiện CNH-HĐH và phát triển đô thị, vị trí vai trò của Thành phố ngày càng được khẳng định và nâng cao. Nếu năm 1991, TPHCM đóng góp khoảng 15% GDP của cả nước chiếm 6,4% dân số và 5,3% lao động thì đến năm 2013 con số tương ứng là 20,8%, 8,8% và 7,7%. So với năm 1991 quy mô dân số Thành phố đã tăng gần 2 lần nhưng nhờ sự tăng trưởng nhanh về kinh tế nên tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người đã tăng gần 8 lần.
Nếu diện tích đô thị của Sài Gòn-Gia Định trong 300 năm chỉ đạt hoảng 140 km2, thì trong 30 năm qua, quy mô đô thị của TPHCM đã tăng lên 4 lần. Cho đến nay diện tích đất đã đô thị hóa khoảng 600 km2 so với 2.095 km2 đất tự nhiên.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh
Cho đến nay về cơ bản, cơ cấu kinh tế trên địa bàn có thể được xem là một nền kinh tế phi nông nghiệp, nếu xét về tỷ trọng giá trị của 3 khu vực kinh tế chính yếu.
Năm 2013, khu vực nông lâm thủy sản chiếm 1% GDP; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 40,6% GDP; khu vực dịch vụ chiếm 58,4% GDP.
Có thể nói TPHCM là thành phố công nghiệp và dịch vụ trong gần 25 năm (từ 1991-2014), khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng trong cơ cấu GDP khoảng từ 38-40% và khu vực dịch vụ di chuyển trong khoảng từ 50-58%.
Sự thay đổi cơ cấu giữa 2 khu vực này qua từng giai đoạn 5 năm tùy thuộc vào biến động của thị trường trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, về xu hướng chung, khu vực dịch vụ vẫn là thế mạnh trong sự phát triển lâu dài của Thành phố và có tỷ trọng ngày càng lớn.
Quá trình công nghiệp hóa của Thành phố được đánh dấu bằng những nỗ lực của Đảng bộ Thành phố qua các kỳ đại hội với chủ trương xây dựng khu chế xuất-khu công nghiệp và chính sách di dời các doanh nghiệp ra khỏi các khu dân cư cũ gắn với việc hỗ trợ đổi mới công nghệ thiết bị khi di dời.
Về cơ bản, cho đến nay công nghiệp của TPHCM được xây dựng trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Trước năm 2000, công nghiệp TPHCM chủ yếu phát triển tự phát theo chiều ngang, vai trò tác động định hướng điều tiết của Nhà nước chưa nhiều. Nhưng từ năm 2001 với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII (tháng 12/2000) đã định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên lợi thế cạnh tranh và dựa trên quan hệ phân bố lực lượng sản xuất của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đã định hướng phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ, cụ thể:
Trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào 4 nhóm ngành: (1) cơ khí chế tạo; (2) điện tử - viễn thông - tin học; (3) công nghiệp hóa chất và dược phẩm; (4) chế biến lương thực thực phẩm giá trị tăng cao và 9 nhóm ngành dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại (tập trung các loại dịch vụ phục vụ xuất khẩu); vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng (chú ý các dịch vụ hàng hải quốc tế); bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản (phát triển đô thị mới; nhà ở; văn phòng cho thuê…); dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ (thị trường công nghệ); du lịch (tập trung du lịch quốc tế); y tế và giáo dục - đào tạo chất lượng cao.
Định hướng CNH của Thành phố là nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng hàm lượng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản phẩm, năng suất cạnh tranh của nền kinh tế. Từ năm 2001 đến nay, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố tuy còn chậm nhưng phù hợp với định hướng phát triển. Nếu năm 2001 bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 54,6% cơ cấu GDP thì năm 2014 đã nâng lên 58,4% cơ cấu GDP. Trong lĩnh vực dịch vụ một số ngành chủ lực đã có sự tăng trưởng tích cực như lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đã tăng từ 4,4% năm 2001 lên 10,6% năm 2014 trong cơ cấu khu vực dịch vụ, ngành vận tải kho bãi có mức tăng tương ứng là 7,7% và 8,4%, lĩnh vực bất động sản tăng từ 3% lên 3,4% v.v…
Chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng được nâng lên, tổng vốn đầu tư xã hội so với GDP đã giảm từ 33,6% năm 2001 xuống còn 29,7% năm 2014. Hệ số ICOR giảm từ 4,31 năm 2001 xuống còn 3,61 năm 2014. Yếu tố TFP trong cơ cấu tăng trưởng đã tăng từ 26,2% năm 2006 lên 30,1% năm 2012. Tuy nhiên, do tính chất gia công của nền công nghiệp chưa được thay đổi nên tỷ trọng giá trị mới (VA) trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến đã giảm từ 26,07% năm 2000 xuống còn 21,62% năm 2014. Có thể nói đây là điểm yếu trong quá trình phát triển công nghiệp của Thành phố.
Quá trình CNH-HĐH và phát triển độ thị của Thành phố từ năm 1991 đến nay, thể hiện một số điểm nổi bật sau đây:
Quá trình này không tách rời quá trình đô thị hóa phù hợp với vị trí vai trò của Thành phố và khu vực cả nước. Về cơ bản, định hướng phát triển các ngành kinh tế trên địa bàn theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố là phù hợp với lợi thế cạnh tranh và thế mạnh của Thành phố trong phát triển, đặc biệt khai thác thế mạnh của một cửa ngõ giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, giữa định hướng phát triển và các giải pháp thực thi còn bất cập, nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố còn rất chậm và cho đến nay, về cơ bản, cơ cấu kinh tế Thành phố vẫn bất cập so với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.
TPHCM đã chủ động và sáng tạo, đi đầu trong nhiều mô hình để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa kinh tế thành phố theo hướng hiện đại như thí điểm xây dựng khu chế xuất, phát triển các khu công nghiệp tập trung, xây dựng khu công nghệ cao, xây dựng khu phần mềm Quang Trung, khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao v.v… cùng với nhiều biện pháp khác để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng kết quả đạt được còn xa so với yêu cầu và mục tiêu đề ra.
Từ quá trình thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong hơn 10 năm qua cho thấy, để có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương như TPHCM thì yếu tố quyết định vẫn là các chính sách vĩ mô như chính sách thuế, tín dụng, đất đai và sự đầu tư của nhà nước trong các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v… Sự khiếm khuyết và thiếu đồng bộ của các chính sách vĩ mô đã tác động đáng kể đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ ở Thành phố và ở nhiều địa phương khác. Trong các chính sách khiếm khuyết thì điểm nổi bật nhất là thiếu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, kéo dài tình trạng của một nền công nghiệp gia công dựa trên lao động rẻ.
Mặc dù nhiều Nghị quyết của Đảng đã đặt vị trí vai trò của khoa học công nghệ và đào tạo như là một quốc sách hàng đầu trong quá trình CNH-HĐH nền kinh tế đất nước nhưng trên thực tế khoa học công nghệ và đào tạo chưa có tác động tích cực thúc đẩy có hiệu quả quá trình CNH-HĐH các ngành kinh tế. TPHCM đi đầu trong việc phát triển công nghệ và có nhiều sáng tạo trong việc hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh,nhưng hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm chưa được nâng lên đáng kể. Thậm chí Thành phố lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao so với yêu cầu phát triển. Mặc dù được đánh giá là trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước, nhưng lại là nơi thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tóm lại, với mục tiêu xây dựng đô thị văn minh hiện đại, có vị trí tương xứng với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á, từ năm 2011, TPHCM đã tập trung nguồn lực để thực hiện phương châm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và hướng tới mục tiêu từng bước trở thành “đô thị sống tốt” theo tiêu chí các đô thị văn minh, hiện đại trên thế giới.
TS. Trần Du Lịch
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh