Đa dạng giới ở nơi làm việc góp phần giảm kỳ thị phân biệt đối xử về giới

03/10/2022 12:55 PM

(Chinhphu.vn) - Tọa đàm "Đa dạng giới ở nơi làm việc" để hưởng ứng tuần lễ VietPride 2022 vừa được tổ chức ngày 1/10 tại TPHCM do ECUE kết hợp với ICS, KPMG và các thành viên sáng lập của mạng lưới Vietnam Corporate Pride Networt tổ chức đã chia sẻ những thực hành tốt của doanh nghiệp trong việc chống phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới.

Đa dạng giới ở nơi làm việc góp phần giảm kỳ thị phân biệt đối xử về giới - Ảnh 1.

Tọa đàm cũng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội với doanh nghiệp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đa dạng giới và dung hợp giới - Ảnh: VGP/Minh Thi

Tại Tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn chia sẻ những thực hành tốt của doanh nghiệp trong việc chống phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội với doanh nghiệp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đa dạng giới và dung hợp giới.

Theo nghiên cứu của Trường ĐH Chicago (2020) thì cứ 3 người LGBTIQ+ thì có 1 người có trải nghiệm bị phân biệt đối xử trong năm qua, tỉ lệ này cao hơn với người chuyển giới vì cứ 5 người chuyển giới thì có 3 người có trải nghiệm bị phân biệt đối xử.

Ở Việt Nam, 30% người LGBT bị từ chối công việc vì họ là LGBT, trong đó người chuyển giới bị phân biệt đối xử nhiều nhất với 59% bị từ chối bởi nhà tuyển dụng. Gần 50% nghe được những lời nhận xét hoặc hành vi tiêu cực từ đồng nghiệp (iSEE, 2015).

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE cho biết, người đồng tính, song tính và chuyển giới bị kỳ thị và phân biệt đối xử vì thế giới đang được nhìn từ khung nhị nguyên về giới. Việc cho rằng nhân loại chỉ có nam và nữ dẫn đến việc gán nghĩa cho các giới khác là bất bình thường. Chính vì vậy, cộng đồng những người thuộc giới tính khác đang bị kỳ thị, thậm chí bạo lực không chỉ ở trong gia đình, trường học mà ở cả nơi làm việc. Việc giải hủy khung nhị nguyên về giới thay bằng khung đa dạng giới rất quan trọng, giúp con người thấy được các giới khác từ đó giúp xóa bỏ kỳ thị để xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và hiệu quả hơn.

Là một tổ chức của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, ICS đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức xã hội về người LGBTIQ. Bà Ngô Lê Phương Linh, Giám đốc ICS cho biết "bản thân ICS hiểu rõ cách tiếp cận về đa dạng giới có thể đem đến thay đổi tích cực, bền vững đối với không chỉ những cộng đồng thiểu số về giới, mà còn với cả những cộng đồng đa số khác luôn chịu ảnh hưởng bởi định kiến xã hội. Bên cạnh việc chung tay cùng các đối tác sáng lập nên Vietnam Corporate Pride Network, ICS cũng liên tục phát triển các hoạt động tư vấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp đối tác để giúp họ có thể hiểu rõ và thực hành những mong muốn, chính sách của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam".

KPMG là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thúc đẩy đa dạng giới ở nơi làm việc. KPMG đã triển khai các chính sách về đa dạng và hòa nhập trong môi trường làm việc từ năm 2015 và vẫn đang được tiếp tục duy trì không chỉ ở cấp độ tập đoàn mà còn truyền bá thực tế đến Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, giám đốc nhân sự của KPMG cho biết "Một số chương trình điển hình chúng tôi đã thực hiện được tại Việt Nam có thể kể đến là câu lạc bộ Pride, hỗ trợ giáo dục về bình đẳng giới, và đặc biệt là mạng lưới Vietnam Corporate Pride Network nơi các tập đoàn hàng đầu cùng chung tay nâng cao hiểu biết và kết nối với cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam. Các chương trình này không chỉ đem đến những quyền lợi trước đây chưa được thông qua, mà còn tạo ra một cộng đồng LGBTQ+ an toàn trong mạng lưới KPMG toàn cầu để mọi người có thể được chia sẻ và giúp đỡ ở bất kỳ nước nào".

Theo báo cáo của HRC (2018) thì có 89% các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 đã có các chính sách về đa dạng và dung hợp (D&I) và khoảng 60% số công ty có chương trình riêng về D&I và/hoặc nhân viên phụ trách D&I (Diversity Best Practices, 2017). 

Chính vì vậy, ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề này sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam đi theo xu thế của thế giới vì tôn trọng đa dạng giới đã trở thành chuẩn mực.

Minh Thi

Top