Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để phát triển y tế Thành phố

18/04/2025 9:53 AM

(Chinhphu.vn) - Trong đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2025–2030, Thành phố dự kiến huy động khoảng 23.655 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 15 dự án. Còn lại là nguồn vốn huy động từ FDI, liên doanh liên kết, từ nguồn vốn vay ưu đãi của TPHCM...

Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để phát triển y tế Thành phố - Ảnh 1.

TPHCM huy động nguồn lực đầu tư cho y tế, nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ huy động tổng cộng 23.655 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 15 dự án. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm như xây dựng khu khám và điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng); xây dựng khoa Khám và điều trị cho người nước ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh 650 tỷ đồng; thành lập Trung tâm khám và tầm soát bệnh công nghệ cao tại cụm y tế Tân Kiên và TP. Thủ Đức (1.500 tỷ đồng mỗi nơi). Dự án có tổng mức đầu tư cao nhất là Khu y tế kỹ thuật cao Long Thới, huyện Nhà Bè (đổi thành Khu Viện trường Long Thới Nhà Bè) với 10.000 tỷ đồng.

Với nguồn lực FDI, TPHCM có một dự án là đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị Proton đặt tại Bệnh viện Ung Bướu (1.500 tỷ đồng).

Với nguồn lực theo Chính sách hỗ trợ lãi vay của TPHCM và vay vốn khác, có 29 dự án với tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Trong số này dự án 2 khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng chăm sóc người cao tuổi của Bệnh viện đa khoa Hồng Đức ở Quận 12 và quận Gò Vấp có tổng mức đầu tư cao nhất, là 1.000 tỷ đồng.

Nguồn lực y tế tư nhân dự kiến có các dự án y tế thành lập mới tại Quận 12, với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Ngoài trách nhiệm chuyên môn của Sở Y tế, UBND TPHCM giao Sở Tài chính và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư ITPC mời gọi, hướng dẫn nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực y tế đang được ưu tiên phát triển.

TPHCM dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở y tế tư nhân

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, Thành phố có tổng cộng 133 bệnh viện, gồm 12 bệnh viện thuộc bộ ngành, 51 bệnh viện do Thành phố quản lý và 70 bệnh viện ngoài công lập.

Đáng chú ý, các bệnh viện của TPHCM không chỉ phục vụ 10 triệu dân của Thành phố mà còn tiếp nhận hơn 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành khác, cho thấy vai trò trung tâm y tế lớn của khu vực.

Song song với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, TPHCM đang đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng. Nhiều công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và trung tâm y tế đã được đưa vào sử dụng, trong đó các cơ sở công lập như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Từ Dũ cùng các bệnh viện tuyến huyện, quận được đầu tư phát triển hiện đại.

Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi giám sát cùng Sở Y tế TPHCM về chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để phát triển y tế Thành phố - Ảnh 2.

Khu vực y tế tư nhân triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố đã tập trung nguồn lực đầu tư cho y tế và nhiều bệnh viện mới đã được xây dựng, phát huy hiệu quả. Tính đến tháng 3/2025, ngành y tế Thành phố đã khánh thành và đưa vào sử dụng 23 dự án y tế quan trọng, gồm 12 bệnh viện chuyên khoa, 6 bệnh viện đa khoa, 2 trung tâm y tế không giường bệnh và 3 dự án bệnh viện tuyến huyện. Trong giai đoạn 2021 - 2025, HĐND Thành phố đã thông qua 35 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 13.789 tỷ đồng.

Về công tác xã hội hóa y tế, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Thành phố hiện đang dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở y tế tư nhân, từ các phòng khám đa khoa, chuyên khoa đến hệ thống dược phẩm và bệnh viện. Với 70 bệnh viện tư nhân, Thành phố đang chiếm 20% tổng số bệnh viện tư nhân trên cả nước.

Hướng đến chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân

Khu vực y tế tư nhân tại TPHCM cũng đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng dịch vụ và ứng dụng các kỹ thuật chuyên môn cao. Nhiều bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Củ Chi), Bệnh viện FV, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến, góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện công lập và mang đến nhiều lựa chọn chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, dù số lượng bệnh viện tư nhân lớn, nhưng tổng quy mô giường bệnh của khu vực này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh của toàn thành phố. Điều này cho thấy, phần lớn các bệnh viện tư nhân hiện nay vẫn có quy mô nhỏ lẻ, ngoại trừ một số bệnh viện đa khoa lớn như Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Quốc tế City.

Theo ông Nam, việc đầu tư vào xây dựng và phát triển bệnh viện là một quá trình dài hơi, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn lâu. Đây có thể là một trong những yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư hiện nay ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô nhỏ hơn.

Ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, cho rằng ngành y tế Thành phố cần nghiên cứu và đánh giá, từ đó phân loại các dự án để mạnh dạn kêu gọi đầu tư, hướng đến chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, cũng như khẳng định vị thế, vai trò ngành y tế của TPHCM.

"Hiện nay có rất nhiều du khách đến TPHCM du lịch nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh. Đây là cơ hội rất lớn để ngành y tế khai thác, phát triển", ông Bình nhấn mạnh.

Linh Anh

Top