Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường Chile và khu vực Nam Mỹ
(Chinhphu.vn) - Ngày 22/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Cục Xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại - đầu tư vào thị trường Chile và khu vực Nam Mỹ”.

Hội thảo “Xúc tiến thương mại - đầu tư vào thị trường Chile và khu vực Nam Mỹ” - Ảnh: VGP/Lê Anh
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cập nhật về tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư tại thị trường Chile và khu vực Nam Mỹ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác thương mại và thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chú trọng thực hiện.
Theo bà Quyên, Chile với nền kinh tế năng động, chính sách thương mại cởi mở, là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Cả hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) từ năm 2014 và cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo ra nền tảng pháp lý thuận lợi, gia tăng cơ hội hợp tác song phương. Bên cạnh đó, Chile còn là cửa ngõ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nam Mỹ như Brazil, Argentina và Peru.
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Chile đạt gần 1,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 1,4 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN Việt Nam bao gồm thủy sản, cà phê, gạo, xi măng… Việt Nam hiện là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 12 của Chile, xếp thứ 4 trong các quốc gia châu Á xuất khẩu sang Chile.
Theo bà Quyên, TPHCM với vai trò đầu tàu kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu cả nước, luôn tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác mới tại thị trường khu vực Nam Mỹ. Riêng với thị trường Chile, tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang Chile năm 2024 ước đạt khoảng 54 triệu USD.
Ông Pablo Arancibia Salazar, Đại diện thương mại, Cục Xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile), thông tin Chile đang khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư chiến lược tại Nam Mỹ thông qua Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Chile (InvestChile). Bên cạnh đó, Chile không chỉ là cửa ngõ thương mại mà còn là đối tác chiến lược giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường tại Nam Mỹ, một khu vực rộng lớn với tổng GDP 4.000 tỷ USD và dân số 431 triệu người.
Ông Pablo Arancibia Salazar cho rằng, lĩnh vực thủy sản, chế biến gỗ và năng lượng sạch từ Chile cũng mở ra cơ hội hợp tác đa dạng với doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Hội thảo, bà Bùi Hoàng Yến, Phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại phía Nam (Bộ Công Thương), khẳng định hiệp định thương mại tự do (FTA) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại, giúp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Chile tăng gấp 5 lần trong 10 năm đầu thực thi VCFTA.
Bà Bùi Hoàng Yến cũng chỉ ra các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam hướng tới là kinh tế xanh và kinh tế số, bao gồm: Chuyển đổi năng lượng, khai khoáng và chế biến, công nghệ cao, chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh.
Đồng thời, bà Yến lưu ý các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt khi vào thị trường Chile, như chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài, áp lực cạnh tranh do Chile đã ký nhiều FTA khác và các rào cản kỹ thuật. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, nâng cao hệ thống quản trị và cần sự hỗ trợ về chính sách, thông tin thị trường.
Lê Anh