ĐH Luật TPHCM: Ngôi trường năng động và trách nhiệm

22/03/2016 5:38 PM

(Chinhphu.vn) - Hai mươi năm qua, ĐH Luật TPHCM, ngôi trường trọng điểm của khu vực phía nam về đào tạo luật đang từng ngày hoàn thiện. Những gì trường gặt hái được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển đã và đang khẳng định vị trí quan trọng của mình, một môi trường truyền tải pháp luật năng động, hội nhập và đầy trách nhiệm.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong một lần đến thăm ĐH Luật TPHCM. Ảnh: VGP/Việt Dũng

Vươn lên mạnh mẽ

ĐH Luật TPHCM được thành lập ngày 30/3/1996. Tiền thân của trường là 2 cơ sở đào tạo luật: Phân hiệu ĐH Luật TPHCM và Khoa Luật, ĐH Tổng hợp TPHCM.

Ngày 10/10/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 118/2000/QĐ-TTg về việc thay đổi tổ chức của ĐH Quốc gia TPHCM. Theo Quyết định này, ĐH Luật tách khỏi ĐHQG TPHCM thành  ĐH Luật TPHCM trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, ĐH Luật TPHCM hiện là cơ sở đào tạo luật lớn nhất tại phía nam và đang khẳng định vai trò trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật hàng đầu của Việt Nam.

Theo GS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, trong bối cảnh hội nhập của đất nước, xu hướng đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam và yếu tố cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục nói chung và trong đào tạo ngành luật nói riêng đang hết sức mạnh mẽ đặt ra cho ĐH Luật TPHCM nhiều thách thức.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế và nhiệm vụ được giao, Trường đã nhanh chóng đổi mới, đặt mục tiêu phải đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đủ các trình độ để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Theo đó, từ số khoa, phòng ít ỏi ban đầu, đến nay trường đã có 7 khoa và một bộ môn trực thuộc với 5 chuyên ngành đào tạo về luật. Quy mô đào tạo của Trường hiện vào khoảng 8.000 sinh viên hệ chính quy và 10.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học.

Đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường cũng phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Hiện trường có 258 giảng viên và 110 cán bộ quản lý. Trong đó, có 1 giáo sư, 12 phó giáo sư, 39 tiến sĩ và 137 thạc sĩ. So với khi thành lập, số lượng cán bộ, giảng viên đã tăng lên gấp 3 lần và đặc biệt, số cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đã tăng 17 lần.

Trường còn hợp tác với trên 20 trường ĐH và tổ chức quốc tế của nhiều quốc gia như, Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản… để liên kết đào tạo, trao đổi học thuật.

Môi trường năng động và trách nhiệm

Chính sự năng động trong tổ chức giảng dạy, nhanh chóng nắm bắt thực tế đã tạo nên hiệu quả cụ thể từ kết quả học tập và cơ hội việc làm của bao thế hệ sinh viên.

Đến với Trường bằng nguyện vọng 2, em Nguyễn Thị Lan Hương (sinh viên lớp Quốc tế 38B) luôn băn khoăn, liệu đây có phải là môi trường tốt giúp em hiện thực hóa giấc mơ được làm việc trong ngành luật của mình. Nhưng những gì được lĩnh hội trong quá trình học tập tại trường đã chứng minh lựa chọn của Hương là đúng đắn.

Lan Hương cho biết: “Em thấy mình rất may mắn khi được là sinh viên của Trường. Đây là ngôi trường năng động, cung cấp kiến thức pháp lý rất vững chắc. Ở đây, em còn được tham gia những hoạt động thực tiễn rất bổ ích như: Nghiên cứu khoa học, tham gia câu lạc bộ thực hành pháp luật để giảng dạy pháp luật cho phạm nhân. Đó là những trải nghiệm thực tế vô cùng quý giá đối với sinh viên như em. Bản thân em thấy rất tự tin với những gì đã học được để hành nghề luật sau này”.

ĐH Luật TPHCM tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến giới học thuật trong nước và quốc tế. Ảnh: VGP/Việt Dũng

Từng có 5 năm nghiên cứu sinh tại ĐH Luật TPHCM, TS. Trần Thảo (Trưởng Khoa Cảnh sát Đường thủy, ĐH Cảnh sát nhân dân) cho rằng, đây là khoảng thời gian đầy hữu ích để anh được học hỏi, trau dồi kiến thức với sự nhiệt tình của đội ngũ giảng viên.

TS. Trần Thảo chia sẻ: “Môi trường nghiên cứu ở đây rất tốt, những gì cần cho một học viên như tôi đều được đáp ứng. Nghiên cứu sinh thời gian cũng bận bịu, khó khăn, nhưng các thầy cô không hề ngần ngại, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi. Tôi cảm nhận rằng, các thầy cô ở đây luôn hỗ trợ cho học viên bằng trách nhiệm và trái tim, sao cho chúng tôi có thể học tập, nghiên cứu tốt nhất, đặc biệt là khi chúng tôi gặp khó khăn”.

Trong suốt 20 năm qua, ĐH Luật TPHCM là nguồn cung cấp nhân lực ngành luật có chất lượng cao cho các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chuyên ngành luật và không chuyên luật.

Trải qua nhiều năm học tập, nghiên cứu tại Trường cũng như quá trình làm việc ngoài thực tế, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Thường vụ BCH Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá: “Hiện rất nhiều cán bộ trong các cơ quan hành chính, tòa án, cơ quan tư pháp là cựu sinh viên của ĐH Luật TPHCM. Điều này khẳng định vai trò và đồng thời minh chứng về một môi trường đào tạo bài bản nhưng không xa rời thực tế, rất thiết thực của Trường. Ngược lại với suy nghĩ ngành luật khô khan, trong quá trình học chúng tôi được học tập rất lý thú, thoải mái. Những kiến thức được truyền tải nhẹ nhàng gần gũi. Bên cạnh đó, Trường còn có nhiều câu lạc bộ luật, tổ chức những cuộc thi đầy sáng tạo và bổ ích”.

GS.TS. Mai Hồng Quỳ cho biết, nhận thức được nhiệm vụ chính trị của mình, ĐH Luật TPHCM luôn tiên phong tham gia vào các vấn đề nóng và bức thiết của đất nước.

Bà cho hay, năm 2014, khi cả đất nước đang sôi sục việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông của chúng ta, ĐH Luật TPHCM đã nhanh chóng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”.

Và năm 2015 vừa qua, trước việc Trung Quốc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ĐH Luật TPHCM tiếp tục phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo: “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”, hội thảo có sự tham gia của hơn 50 học giả của Việt Nam và thế giới.

Trong một chuyến về thăm "cái nôi" của ngành luật miền Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chia sẻ: "Tôi mong muốn và tin tưởng rằng ĐH Luật TPHCM tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu đào tạo cho được những thẩm phán, kiểm sát viên, những luật sư, luật gia giỏi, có đủ tự tin, vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt phục vụ yêu cầu về cán bộ pháp luật, cho công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế".

Ngày 29/3 tới đây, ĐH Luật TPHCM sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển. Được hỏi cảm nghĩ của mình với tư cách người lãnh đạo trường suốt hai nhiệm kỳ vừa qua, GS.TS. Mai Hồng Quỳ chia sẻ: “Nhiệm vụ của Trường là bảo đảm để chất lượng đào tạo không ngừng nâng cao, chương trình và phương pháp đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu về cán bộ cho đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, Trường còn phải trở thành một nơi có thể tham vấn và tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như các vấn đề quốc kế dân sinh”.

Với những đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT những năm qua, ĐH Luật TPHCM đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của UBND TPHCM...

Mạnh Hùng

Top