Điện lực TPHCM: Đủ năng lực đáp ứng nhu cầu điện mùa nắng nóng

31/03/2024 6:03 PM

(Chinhphu.vn) - Hệ thống điện TPHCM hiện nay có độ dự phòng về công suất từ 40-60%, tùy theo cấp điện áp. Do đó, có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của Thành phố theo tất cả các kịch bản tăng trưởng.

Điện lực TPHCM: Đủ năng lực đáp ứng nhu cầu điện mùa nắng nóng- Ảnh 1.

Điện lực TPHCM khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế thấp nhất làm tăng tiền điện trong các tháng cao điểm mùa hè

Báo cáo công tác đảm bảo cung cấp, an toàn và tiết kiệm điện năm 2024, Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, theo quy luật thời tiết, quý II hàng năm, khu vực TPHCM là giai đoạn cao điểm nắng nóng, số giờ nắng nóng trong ngày cao. Tuy nhiên, mùa khô năm nay, do hiện tượng El Nino nên thời tiết nắng nóng gay gắt bắt đầu từ tháng 3, với nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước từ 1 - 1,5 độ C.

Bình quân nhiệt độ cao nhất trong ngày của tháng 3 (tính đến ngày 26/3) là 35,5 độ C, cao hơn bình quân nhiệt độ cao nhất trong ngày của tháng 3/2023 khoảng 1,3 độ C.

Do đó, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng lên, chủ yếu do sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh.

Tính đến ngày 26/3, sản lượng điện tiêu thụ bình quân tại TPHCM đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12,02% (tương đương 8,38 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, lượng điện bình quân ngày của 26 ngày đầu tháng 3 là 86,37 triệu kWh/ngày, cao hơn 8,84 triệu kWh so với sản lượng bình quân ngày của tháng 3/2023 (77,54 triệu kWh/ngày).

Riêng ngày 26/3, sản lượng tiêu thụ điện cao nhất tính từ đầu năm, đạt 92,46 triệu kWh. Mức tiêu thụ này chỉ thấp hơn 2,34 triệu kWh so với mức tiêu thụ kỷ lục ngày 6/5/2023 (94.8 triệu kWh).

Theo Điện lực TPHCM, sản lượng bình quân 1 ngày trong tháng 3 của Thành phố đã tương đương sản lượng bình quân 1 ngày của tháng 4/2023, tháng có sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày cao nhất năm 2023.

Phân tích các thành phần phụ tải khách hàng của 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy, tiêu thụ điện của khách hàng sinh hoạt (chiếm 49,55% tổng sản lượng) có mức tăng là 11,90%, tăng mạnh hơn nhiều so với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt (tăng 7,32%; chiếm 50,45% tổng phụ tải).

Đối với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, sản lượng tiêu thụ điện của nhóm công nghiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng sản lượng) cũng tăng 6,20%. Điều này cũng cho thấy hoạt động sản xuất trên địa bàn Thành phố đang phục hồi và có mức tăng trưởng khá.

Tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 4 và 5

Theo dự báo và phân tích trên, Điện lực TPHCM nhận định trong điều kiện El-Nino, nắng nóng sẽ kéo dài và nền nhiệt tiếp tục tăng cao, sản lượng điện tiêu thụ của Thành phố sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 4 và 5 tới. Một số ngày, lượng tiêu thụ dự báo sẽ vượt trên 95 triệu kWh/ngày, lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện tại TPHCM.

Cũng theo Điện lực TPHCM, hệ thống điện của Thành phố hiện nay có độ dự phòng về công suất từ 40-60% tùy theo cấp điện áp. Do đó, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của Thành phố theo tất cả các kịch bản tăng trưởng.

Tuy nhiên, không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm. Ngoài ra, nguồn điện cung cấp cho TPHCM còn chịu sự điều tiết chung của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (hiện nay Thành phố đang được ưu tiên đảm bảo đủ nguồn điện).

Để đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn và chia sẻ với cả nước, Điện lực TPHCM xác định cần tăng cường tuyên truyền vận động tiết kiệm điện và sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các giải pháp đảm bảo cung cấp điện tại TPHCM

Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết đang tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024, cụ thể: Tập trung đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng nhằm tăng khả năng cung cấp; giám sát, có phương án không để các đường dây xảy ra tình trạng đầy, quá tải; thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết trước ngày 31/3; lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải cho năm 2024…

Đặc biệt, chuẩn bị phương án tiết giảm khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, như rà soát, cập nhật danh sách ngừng, giảm mức cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của Tập đoàn.

Lập danh sách thứ tự ưu tiên các tuyến dây và cáp ngầm trung thế theo ngày nghỉ luân phiên; thực hiện diễn tập phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô, trong đó bao gồm kết hợp vận hành theo mức phân bổ công suất của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, DR, dịch chuyển phụ tải, sự cố TBA 220kV,...

Ngọc Tấn

Top