Điều chỉnh cục bộ quy hoạch trung tâm hiện hữu

26/07/2016 6:01 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố về việc lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu thành phố (930ha) tại các khu vực bị ảnh dự án đường ven sông Sài Gòn.

UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, hướng dẫn Ban Quản lý dự án Quy hoạch Xây dựng phối hợp Tập đoàn Vingroup thực hiện lập và trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại các khu vực bị ảnh hưởng trong phạm vi ranh thực hiện dự án đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn) theo quy định.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND quận 1, quận Bình Thạnh, thẩm định về phạm vi, ranh giới, phương án thiết kế kỹ thuật tuyến đường ven sông Sài Gòn, mép bờ cao sông Sài Gòn (đoạn từ công viên bến Bạch Đằng đến cầu Sài Gòn), để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của tuyến đường ven sông với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực và không ảnh hưởng đến tuyến metro số 1.

Theo UBND TPHCM, việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường ven sông Sài Gòn, sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu và các chủ đầu tư có dự án tiếp giáp với tuyến đường này sẽ được hưởng lợi sau đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố chấp thuận đề nghị của Tập đoàn Vingroup về tự nguyện chi trả kinh phí và đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn (đoạn tiếp giáp với 2 dự án khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son và khu phức hợp Tân Cảng - Sài Gòn do Vingroup làm chủ đầu tư); đồng thời ủng hộ đề xuất giao Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư xây dựng toàn tuyến đường ven sông Sài Gòn nêu trên.

Trước đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao thành phố chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh và dự án xây dựng đường ven sông (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn) theo hình thức hợp đồng BT với nhà đầu tư dự kiến là Tập đoàn Vingroup.

Dự án cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh (dài gần 3,8km) có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 527 tỷ đồng. Còn dự án xây dựng đường ven sông (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn, dài hơn 1km) có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 695 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ kết nối, hình thành trục giao thông ven sông song hành với trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, tạo điều kiện cho giao thông thuận lợi, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông giữa trung tâm thành phố với khu vực ngoại vi, tạo điều kiện phát triển các khu đô thị mới tại cửa ngõ phía Bắc - Đông Bắc, giúp kéo giãn, tránh tình trạng tập trung dân cư quá đông trong khu trung tâm. 

Một đoạn kênh Bến Nghé. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Đầu tư 230 tỷ đồng làm Cống kiểm soát triều Bến Nghé

UBND TPHCM vừa phê duyệt đề cương nhiệm vụ thiết kế kiến trúc dự án Cống kiểm soát triều Bến Nghé, quận 1 và quận 4.

Theo đó, dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng dự án khoảng 230 tỷ đồng, với các hạng mục gồm kết cấu thủy công đập ngăn nước (trụ pin, cừ chống thấm, dầm đỡ van, gia cố bảo vệ lòng dẫn); kết cấu cửa van điều tiết nước và thiết bị điều khiển; kết cấu nối tiếp hai bờ; khu quản lý công trình; kết cấu kè bảo vệ phía hạ lưu công trình.

Về nguyên tắc vận hành, cống sẽ hỗ trợ hệ thống tiêu thoát nước đô thị trong mùa mưa khi mực nước ngoài sông lên đến 0,6m thì đóng cửa van cống để tạo dung tích trữ đón nước mưa còn khi mực nước ngoài sông rút xuống thấp hơn mực nước bên trong thì mở cửa van cống để tiêu nước.

Đối với việc cắt đỉnh triều khi có triều cường, khi mực nước ngoài sông lên đến 1m thì đóng cửa van cống để ngăn triều còn khi mực nước ngoài sông rút xuống dưới 1m thì mở cửa van cống để tiêu nước, đảm bảo giao thông thủy qua lại bình thường.

Công trình Cống kiểm soát triều Bến Nghé nằm trên rạch Bến Nghé. Đoạn bắt đầu từ ngã ba sông Sài Gòn đến ngã ba Rạch Đôi, có chiều dài khoảng 3.100m. Dọc chiều dài kênh Bến Nghé được chia làm các đoạn như từ ngã ba sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội, từ cầu Khánh Hội đến cầu Mống, từ cầu Mống đến cầu Calmette, từ cầu Calmette đến cầu Ông Lãnh, từ cầu Ông Lãnh đến cầu Nguyễn Văn Cừ.

Rạch Bến Nghé có chiều rộng mặt nước khoảng 50- 65m, hai bên bờ rạch đã được hoàn thiện kè kiên cố dạng mái nghiêng bằng đá xây, đỉnh kè là khuôn viên cây xanh. Cao độ đỉnh kè trung bình khoảng 2m. Tuyến rạch Bến Nghé là tuyến đường thủy nội địa địa phương cấp V, không có bến bãi giao thông thủy. Hiện nay trên tuyến rạch Bến Nghé có ít tàu thuyền qua lại và chủ yếu là các loại tàu thuyền nhỏ. Trong trường hợp rạch Bến Nghé bị hạn chế không thông suốt, có thể sử dụng Rạch Đôi, qua hướng cầu Tân Thuận để ra sông Sài Gòn.

Nam Đàn

Top