DN Việt tái định vị thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà

21/05/2025 9:03 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh phức tạp của kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, để tái định vị thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ dành cho DN để nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà.

DN Việt tái định vị thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà- Ảnh 1.

Chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2025 nhằm đề xuất các giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp. Ảnh: VGP/LA

Đây là một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2025 nhằm đề xuất các giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp. Sự kiện do Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức ngày 21/5 tại TPHCM.

Đa dạng thị trường xuất khẩu, tăng cường kết nối B2C.

Đánh giá về bối cảnh quốc tế hiện này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết: Vấn đề đang tác động rất lớn là chính sách thuế quan và bảo hộ của các nước. Trong tình hình hiện nay, ngành lương thực, thực phẩm không chỉ là một ngành kinh tế, mà còn là trách nhiệm xã hội, là lá chắn mềm của nền kinh tế để giữ nền sản xuất, việc làm, chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

Chủ tịch FFA Lý Kim Chi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN Việt cần tái định vị thị trường xuất khẩu là tìm kiếm các thị trường mới, thị trường ngách nhằm tránh phụ thuộc chỉ vào vài thị trường lớn. Trong đó, các doanh nghiệp chủ động tìm cách phát huy các FTA hơn nữa tại thị trường ngách.

Theo bà Chi, các DN có thể mở rộng, tiếp cận thêm thị trường Halal với hơn 2 tỷ người Hồi giáo. Đây là thị trường đầy tiềm năng, tuy nhiên, thời gian qua, các DN Việt chưa chú ý nhiều tới thị trường này.

Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp. Các sản phẩm nên hướng tới các tiêu chuẩn xanh như ESG (Môi trường, xã hội và quản trị) để phát triển bền vững, đảm bảo truy suất nguồn gốc xuất xứ nhằm đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu.

DN Việt tái định vị thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà- Ảnh 2.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA). Ảnh: VGP/LA

Cùng với đó, các DN xuất khẩu Việt Nam cần hướng tới các sản phẩm tạo sự khác biệt trên thị trường, không cạnh tranh về giá, tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, sản phẩm cạnh tranh về giá trị, về sự khác biệt.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty Secoin, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần đa dạng hóa thị trường, không bỏ trứng vào cùng một giỏ.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng (VLXD) của TPHCM, trong đó có Công ty Secoin đã tích cực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bước đầu nhiều thị trường mới cho nhiều tín hiệu tích cực, nhiều DN tìm kiếm được thêm các đối tác mới.

Bà Hương cho biết, ngành VLXD cũng đang theo hướng xanh hóa, nhưng khi đa dạng thị trường phải tỉnh táo, khi mỗi thị trường có những bộ tiêu chuẩn khác nhau về tiêu chuẩn xanh. Không thể chạy theo từng tiêu chí, mà phải là bài toán chung, chuẩn hóa về xanh, bền vững theo hướng quốc tế, đáp ứng tất cả thị trường.

Cũng theo bà Hương, các DN Việt nên tính tới bán hàng theo phương thức B2C –đây là mô hình kinh doanh mà trong đó, doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng (khách hàng). Để đi theo hướng này, kênh thương mại điện tử là một cơ hội tốt, có thể giảm nhiều chi phí.

"Bộ tứ" Nghị quyết mới làm nền tảng nâng cao năng lực nội sinh

Cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hiện nay, nhiều DN Việt cũng đang đẩy mạnh củng cố thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ TPHCM, cho biết: Xu hướng tiêu dùng hiện nay theo hướng cá nhân hóa sản phẩm và mua sắm đa kênh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới cá sản phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, hiện nay, các nhà bán lẻ cũng chưa có những mô hình phục vụ riêng cho người Việt, hiểu người Việt.

Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng, ông Lê Duy Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn SCC cho biết, người tiêu dùng hiện tại, nhất là giới trẻ, thay đổi nhiều và rất khác so với truyền thống, đặc biệt là trải nghiệm cá nhân hóa. 

Hiện nay các sản phẩm được mua theo cá nhân, nên doanh nghiệp phải thấu hiểu để điều chỉnh cho phù hợp. Người tiêu dùng trẻ rất thông minh, quan tâm sự minh bạch trong tuyên bố chất lượng, thương hiệu tốt, thân thiện bền vững. Người tiêu dùng sẽ căn cứ vào những tiêu chí đó để quyết định mua sắm, chứ không cần biết là doanh nghiệp trong hay ngoài nước.

Vì thế, doanh nghiệp nhìn vào người tiêu dùng là chính, chinh phục trái tim của người tiêu dùng chứ không cần đặt nặng về đối thủ. DN Việt phải hiểu người tiêu dùng Việt thay vì để các thương hiệu nước ngoài hiểu người tiêu dùng và tiếp cận đến từng cá nhân.

Thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam hiện có quy mô khoảng 190 tỷ USD (năm 2024) và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ mà còn là thời điểm quan trọng để hàng Việt khẳng định vị thế ngay tại thị trường trong nước. 

Tuy nhiên, sức ép từ hàng ngoại nhập đang gia tăng nhanh chóng. Sự bùng nổ của hàng giá rẻ ngoại nhập với mẫu mã đa dạng, giá thành cạnh tranh và hệ thống phân phối xuyên biên giới đang đặt ra thách thức không nhỏ cho hàng Việt.

DN Việt tái định vị thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên sân nhà- Ảnh 3.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: VGP/LA

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng. Trong vài năm qua, việc này đã thực hiện một cách chiến lược, bài bản, nhiều DN của TPHCM đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường, chiếm tỷ trọng nhất định trong thị trường nội địa.

Theo ông Vũ, các DN phải nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện "bộ tứ chiến lược" theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Phát triển đột phá KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Nghị quyết 57); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59); đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (Nghị quyết 68).

Nghị quyết là căn cơ, nền tảng cho kinh tế tư nhân, cho doanh nghiệp, cho khoa học công nghệ, phải nâng cao sức mạnh nội sinh của từng doanh nghiệp", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn kỳ vọng, từ Nghị quyết 68 xác định phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, thời gian tới, các DN nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, qua đó DN có thể đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng các " rào cản kỹ thuật" mà các thị trường xuất khẩu đặt ra, đồng thời hướng đến sản xuất xanh theo tiêu chuẩn ESG.

Lê Anh

Top