Doanh nghiệp hiến kế giúp TPHCM phát triển

22/03/2022 6:10 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 22/3, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội Thành phố đến năm 2030.

Doanh nghiệp hiến kế giúp TPHCM phát triển - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, bổn phận của chính quyền Thành phố là làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ được đầu tư vào TPHCM thật sự là một cơ hội. Thành phố hoanh nghênh và cảm ơn các ý kiến góp ý chân thành, xác đáng và rất quan trọng của các doanh nghiệp, thể hiện sự sẵn sàng sẻ chia và đồng hành, quyết tâm cùng chính quyền xây dựng Thành phố phát triển.

Theo Bí thư Thành ủy, những góp ý của doanh nghiệp nổi lên 3 trọng tâm, trước hết là vấn đề thể chế. Hệ thống chính sách và quy định hiện hành đối với TPHCM như một chiếc áo đã chật, cần sớm tháo gỡ. Vấn đề thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng về kinh tế-xã hội. Vấn đề thứ ba là phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đổi mới, phải có đội ngũ cán bộ công chức tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, hành động quyết liệt.

Qua ý kiến của các doanh nghiệp, chúng ta thấy rằng cần phải có một môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi và dễ dàng trong một không gian sống và làm việc văn minh, hiện đại, nghĩa tình, không lãng phí thời gian, công sức cho những việc nhỏ nhen, tiêu cực.

"Chính quyền đã cam kết, doanh nghiệp cũng đã đồng ý đồng hành thì vấn đề quan trọng của chúng ta là cần phải có tiêu chí quy định trách nhiệm của mỗi bên, nhất là vai trò của người đứng đầu. Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì hai bên phải cùng nhau ngồi lại để giải quyết", ông Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết thêm, cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác của Quốc hội đã đến Thành phố để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị và Thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên trách, các nhà khoa học nghiên cứu tập hợp tất cả những thông tin, kể cả những đề xuất hôm nay của các doanh nghiệp, để hình thành ra những khung khổ mang tính pháp lý, đề xuất kiến nghị xin ý kiến cấp trên.

Doanh nghiệp hiến kế giúp TPHCM phát triển - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Doanh nghiệp là đồng tác giả cho sự phát triển của Thành phố

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, nội tại Thành phố hiện còn nhiều bất cập như: Liên kết doanh nghiệp-khoa học-đào tạo-nhà nước hiệu quả chưa cao, chưa chú trọng đúng mức việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, giao thông. Cơ chế liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt hiệu quả chưa cao, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của thành phố. Cơ chế huy động các nguồn lực thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công-tư còn nhiều vướng mắc… Đây là những nội dung mà Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự góp ý, hiến kế và các giải pháp cụ thể từ phía doanh nghiệp.

Thời gian tới, TPHCM xác định mục tiêu phát triển như sau: Đến năm 2025, trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, nhằm đạt được mục tiêu trên, Thành phố sẽ tập trung triển khai 3 chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm, đó là: Chương trình đột phát đổi mới công tác quản lý thành phố, trong đó tập trung vào chuyển đổi số, đề án xây dựng thành phố thông minh, đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông, đề án quản lý đất đai.

Chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố tập trung vào đề án phát triển ngành logistic, đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố, đề án phát triển hạ tầng công nghiệp, đề án phát triển hạ tầng viễn thông, chương trình phát triển nhà ở, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố.

Chương trình đột phá phát triển nguồn nhân lực và văn hóa Thành phố, trong đó tập trung vào đề án đào tạo nhân lực quốc tế, đề án y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo…

Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển TPHCM, trong đó tập trung vào chương trình hỗ trợ doanh nhiệp và sản phẩm CNTT, truyền thông; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai đề án du lịch thông minh…

"Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư nghiên cứu, tham gia cùng Thành phố triển khai các chương trình, đề án nêu trên. Lãnh đạo Thành phố luôn mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là đồng tác giả của sự phát triển Thành phố trong thời gian tới", Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.

Doanh nghiệp hiến kế giúp TPHCM phát triển - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO nêu kiến nghị tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Kiến nghị của các doanh nghiệp

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO kiến nghị Thành phố tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán, từ mức 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 250 tỷ USD.

"Chúng ta có thể đưa mức này lên trên 100%, thậm chí 120% GDP quốc gia và sánh vai với các thị trường tiên tiến trên thế giới như New York, London, Singapore", bà Thảo nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch SOVICO kiến nghị xây dựng TPHCM là điểm đến du lịch quốc tế với các thị trường đa dạng về tài chính, ẩm thực, văn hóa, tăng lượt khách vận chuyển đến Thành phố từ 12,67 triệu lượt lên 15 triệu lượt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, bà Thảo đề nghị thúc đẩy chuyển đổi số khẩn trương, đồng bộ, toàn diện; xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ hành chính công; xây dựng kinh tế số Thành phố; khuyến khích phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân, một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp…

Còn ông Park Huyn Bae, Tổng Giám đốc Công ty KCTC Việt Nam - doanh nghiệp FDI có 49% vốn đầu tư Hàn Quốc với trọng tâm là kinh doanh vận tải đa phương thức, dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi, dịch vụ tư vấn logistics, lưu trữ hàng hóa, kiến nghị tiếp tục nâng cấp, phát triển và mở rộng hệ thống cảng của Thành phố, trong đó có cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước. Ông cũng nêu ý kiến nâng cấp hệ thống giao dịch thông tin điện tử để có thể triển khai công tác quản lý cảng biển, cảng sông tốt nhất.

Ông Eguchi Shinya, Giám đốc Sojitz Việt Nam thì góp ý phát triển Thành phố thành một trung tâm phân phối hàng hóa, thực phẩm, tiêu dùng chất lượng cao trên nền tảng phát triển hàng loạt cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi gần với người dân hơn để có thể đưa các sản phẩm chất lượng cao, thức ăn ngon, đạt tiêu chuẩn cuộc sống hiện đại. Tập đoàn Sojitz là một tập đoàn lớn của Nhật Bản, tham gia vào một loạt doanh nghiệp toàn cầu gồm việc mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, sản xuất và bán các sản phẩm, đồng thời cung cấp dịch vụ, lập kế hoạch và điều phối các dự án đầu tư.

Tại Hội nghị, ông Boris Cohen, Tổng Giám đốc MSC Việt Nam, người đã làm việc ở Hoa Kỳ, Pháp và có 20 năm trải nghiệm trong ngành vận tải biển và logistics cũng tham gia đóng góp ý kiến. Công ty vận tải biển do ông là Tổng Giám đốc là một hãng tàu quốc tế của Thụy Sỹ, đây là hãng tàu lớn nhất từ cuối năm 2021, hoạt động của tất cả các cảng lớn trên thế giới. Ông có hai góp ý, đó là mong muốn cảng Cát Lái của TPHCM nằm trong nhóm cảng số 5 đã được quy hoạch phát triển, trở thành hệ thống cảng biển quốc tế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, ông có mong muốn được nghiên cứu để đầu tư phát triển cảng mới, đó là cảng biển trung chuyển ở Cần Giờ. Định hướng phát triển này đã được Thành phố lên kế hoạch là sẽ thực hiện sau năm 2030, tuy nhiên, ý tưởng của ông là muốn làm sớm, làm tốt ngay từ bây giờ.

Cũng tại hội nghị, đại diện Tập đoàn công nghệ Unicloud cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng tham gia vào triển khai vận hành các hệ thống CNTT của Thành phố; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẵn sàng hiến kế chuyên sâu với Thành phố để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Về chủ trương xây dựng thành phố thông minh, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ để xây dựng một đề án tổng thể, bao gồm các giải pháp về phần cứng và phần mềm.

Anh Thơ

Top