Doanh nghiệp TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình xanh và số
(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ như robot, AI, IoT để tự động hóa, tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản trị và giám sát, thực hiện báo cáo về các tiêu chuẩn xanh.

ITPC ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác nhằm hỗ trợ các DN TPHCM chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Ảnh: VGP/LA
Ngày 15/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức Hội nghị trí tuệ nhân tạo TPHCM, với chủ đề "Khai phá sức mạnh trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn - Chìa khóa hướng đến phát triển bền vững".
Hội nghị lần này không chỉ là nơi trình bày công nghệ mới mà còn là không gian kết nối thực chất giữa nhà hoạch định chính sách, nhà phát triển công nghệ và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhưng còn nhiều trở ngại trong tiếp cận công nghệ. Đây là bước tiếp nối quan trọng trong chuỗi hoạt động của TPHCM nhằm định vị Thành phố là trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh hàng đầu trong khu vực.
Theo các chuyên gia, hiện nay, trên thế giới, các doanh nghiệp đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đột phá, tối ưu năng suất, giảm chi phí và tiến tới các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Tại Việt Nam, nhiều công ty công nghệ đã phát triển các giải pháp AI đa ngành, nhưng mức độ ứng dụng thực tế của các giải pháp mới vào trong các quy mô doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khó khăn thường đến từ thiếu lộ trình triển khai phù hợp, thiếu dữ liệu về yêu cầu thị trường..
Ông Trương Thành Đạt, thành viên Ban công nghệ và phát triển bền vững (Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam) chỉ ra rằng, còn nhiều công ty gặp khó khăn trong triển khai AI do nhiều lý do, như: Thiếu kỹ năng và kiến thức, quy trình sản xuất chưa sẵn sàng, thiếu tầm nhìn chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh và chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, một số mô hình AI chưa đủ chính xác cũng là một rào cản.
Theo bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, Việt Nam đang có cơ hội lớn để kết hợp AI và dữ liệu lớn trong chiến lược phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức nghiên cứu để hiện thực hóa tiềm năng này.
Để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến từ thế bị động sang chủ động trong việc ứng dụng AI, các diễn giả đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm: Đào tạo nhân lực số, hợp tác quốc tế và có chính sách hỗ trợ; sự kiên nhẫn và cam kết của các doanh nghiệp; xây dựng nền tảng dữ liệu và đổi mới sáng tạo mở.
Trong khuôn khổ hội nghị, khách tham dự còn được tham quan triển lãm "Giải pháp AI và công nghệ chuyển đổi xanh" với nhiều công nghệ hiện đại.
Dịp này, ITPC ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các đối tác liên quan đến các chương trình đào tạo dành cho doanh nghiệp. Các nội dung hợp tác này hướng đến việc nâng cao năng lực quản lý, vận hành và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh-bền vững-số hóa.
Lê Anh