Doanh thu tăng mạnh, doanh nghiệp tại QTSC tăng nhân sự, mở rộng quy mô

12/05/2021 6:06 PM

(Chinhphu.vn) - Doanh thu của các doanh nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung trong 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 3.475 tỷ đồng tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung đang tăng cường tuyền nhân sự và mở rông quy mô hoạt động đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ thông tin 4 tháng đầu năm 2021 tại QTSC ước đạt hơn 3.475 tỷ đồng tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thị trường xuất khẩu vẫn giữ vai trò quan trọng, giá trị xuất khẩu các sản phẩm phần mềm ước đạt trên 128 triệu USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions cho biết: “Do thị trường thế giới đang dần phục hồi nên 4 tháng đầu năm nay, công ty TMA đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn mở trung tâm R&D tại Việt Nam về Fintech và 5G, giúp công ty tăng trưởng doanh thu 15%. Tiếp nối thành công năm 2020 của thị trường nội địa tăng trưởng 4 lần. Đầu năm 2021, TMA phát triển mạnh dịch vụ tư vấn công nghệ 4.0 và chuyển đổi số cho các tập đoàn tại Việt Nam. Hiện nay TMA đang tuyển thêm hàng trăm kỹ sư để đào tạo và chuẩn bị cho các dự án mới”.

Cùng quan điểm với ông Hồng, ông Huỳnh Sỹ Nguyên, Giám đốc Công ty VMT Solutions cũng có nhận định khả quan: Do tình hình các nước dịch bệnh trở nên phức tạp, trong đó có Ấn Độ và các nước trước đây là đối thủ cạnh tranh, trong khi Việt Nam khống chế dịch tốt và ổn định nên công ty có lượng lớn khách hàng mới tìm đến, lượng dự án từ các thị trường truyền thống Đức, Thuỵ Sĩ có sự tăng trưởng về qui mô và cả số lượng. Tổng doanh thu so với năm trước đã tăng khoảng 40%. Hiện tại công ty đang hơi quá tải, nhân viên phải tăng ca và đang phải tuyển dụng thêm. Công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng về quy mô.

“Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều sự phát triển của doanh nghiệp, khiến công ty nhận thấy bên cạnh thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa cũng còn rất nhiều tiềm năng. Ở thị trường nội địa, chúng tôi cũng có tăng trưởng. Doanh thu từ các dịch vụ mới như sản phẩm 3D cho thương mại điện tử cũng tăng trưởng nhanh”, ông Nguyên chia sẻ thêm.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), đồng thời là Chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA), đối với lĩnh vực phần mềm, dư địa phát triển vẫn còn rất rộng. Tại QTSC, các doanh nghiệp như TMA hay VMT Solutions đều là các công ty chuyên sản xuất phần mềm cho nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây, các đơn vị này đã thành lập trung tâm R&D chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phần mềm phục vụ cho thị trường trong nước và sau đó mới tiến tới xuất khẩu. Hiện thị trường phần mềm Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, và còn rất nhiều dư địa phát triển.

Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và các địa phương khởi động chương trình đô thị thông minh, các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội rất nhiều cho các doanh nghiệp công nghệ. Ngoài ra, việc các đợt dịch liên tiếp trong 2 năm vừa qua cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cả trong xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước.

Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) hiện nay có 165 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT (52 doanh nghiệp nước ngoài và 113 doanh nghiệp trong nước). Trong đó có những thương hiệu lớn trong và ngoài nước đang hoạt động như KDDI, SPS, TMA, Hitachi Vantara Vietnam, Concentrix, LARION, DIGI-TEXX, MISA, VinaData… Tổng số người học tập và làm việc thường xuyên khoảng 21.797 người. 

Đến nay, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại QTSC đã phát triển 650 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cung cấp cho hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới.

Năm 2020 tổng doanh thu của các dơnh nghiệp tại QTSC đạt hơn 13.657 tỷ đồng. Doanh số tích lũy giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt hơn 50.167 tỷ đồng (tương đương hơn 2.174 triệu USD), cao gấp 3 lần so với giai đoạn 5 năm 2011-2015 (15.758 tỷ đồng), xuất khẩu trực tiếp đạt 38.580  tỷ đồng - tương đương gần 1.700 triệu USD, cao gấp 4 lần so với giai đoạn 5 năm 2011-2015 (400 triệu USD).

Ngọc Tấn

Top