Độc đáo nét văn hóa xin chữ đầu năm ở TPHCM

03/02/2020 2:15 PM

(Chinhphu.vn) - Phố ông đồ TPHCM, nằm cạnh góc ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai (bên hông Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố, quận 1) được duy trì tổ chức vào các dịp lễ Tết nguyên đán và dịp đầu năm mới, là không gian văn hóa xin chữ và cho chữ truyền thống của người dân thành phố từ nhiều năm qua.

Người dân xin chữ tại phố ông đồ bên cạnh Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM.

Phố ông đồ TPHCM diễn ra trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020, với chủ đề hướng đến chủ đề năm 2020 được Đảng bộ TPHCM định hướng là năm tìm về vấn đề văn hóa đô thị. Chính vì vậy, cả người xin chữ và người cho chữ (ông đồ) đều cố gắng tạo những đường nét chấm phá yếu tố văn hóa truyền thống trên giấy đỏ.

Cũng giống như không gian hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được biết đến như “Làng sĩ tử” ở phía Bắc thì ở phố ông đồ TPHCM cũng có những nét riêng có rất độc đáo.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì tục xin chữ ở vùng đất Nam bộ bắt nguồn từ thế kỷ thứ 17, tức có từ thời chúa Nguyễn vào khai phá vùng đất phương Nam, cùng với các đợt người Việt (người Kinh từ miền Bắc, miền Trung) di cư vào theo. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 17 khi người Hoa đến quy thuận chúa Nguyễn và bắt đầu quá trình khai phá và định cư ở Biên Hoà - Đồng Nai thì tục xin chữ đã được chính các cộng đồng người Hoa, người Việt (miền Bắc, di cư đến trước đó) cùng với người bản địa (Khmer, Chăm,…) cùng nhau duy trì, giữ gìn thường xuyên cho đến ngày nay, nhất là vào các dịp Tết cổ truyền và đầu năm.

Như vậy, quá trình cộng cư lâu dài bên nhau, cùng việc ảnh hưởng, giao lưu văn hóa giữa người Việt, người Hoa với người bản địa đã tạo ra yếu tố đa văn hóa ở vùng đất Nam bộ và cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nét đặc trưng riêng của tục xin chữ ở đây.

Trong những năm gần đây, phố ông đồ TPHCM đã trở thành một địa chỉ thường xuyên tới lui của người dân thành phố và các tỉnh lân cận đến xin chữ đầu năm.

Tại đây, nét văn hóa xin chữ đã được CLB Thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên và các bạn trẻ yêu thích, đam mê nghệ thuật thư pháp từ một số trường Đại học xây dựng, đã giúp hình thành một phố ông đồ truyền thống ở ngay trung tâm của đô thị lớn nhất nước.

“Ông đồ” Võ Tuấn Xuân Thành có 12 năm theo nghề thư pháp tại phố ông đồ Nhà Văn hóa Thanh niên cho biết, việc duy trì nét văn hóa truyền thống này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố. Điều đó cũng cho thấy, dù quá trình di cư khai phá vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng người Việt di cư vẫn có gắng duy trì, gìn nhữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình ở cố hương. Đó là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tức trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của cha ông.

Tại phố ông đồ TPHCM tết Canh Tý 2020, nhà thư pháp Tuệ Nghiêm (48 tuổi) chia sẻ, người dân đến với phố ông đồ không chỉ đến để du xuân, thưởng lãm nét đẹp văn hóa truyền thống, còn thông qua tục xin chữ để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.

Người cầu tài lộc thì xin chữ Tài chữ Lộc, người cầu con cái xin chữ Phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ Thọ. Có nhiều người lại xin chữ chính tên của mình để về treo ở nhà; có người xin bằng hán tự, có người lại thích xin chữ quốc ngữ,…Đối với các ông đồ (người cho chữ) thì ngoài việc cho chữ thì còn quan sát thần sắc của từng người để cho chữ phù hợp.

Trải qua nhiều đời, tục xin chữ tiếp tục được duy trì, gìn giữ như một nét văn hóa truyền thống của dân tộc tại vùng đất phương Nam.

Thế nhưng nhiều người đi xin chữ cũng có những đượm buồn vì hiện nay tục xin chữ có những biến đổi không còn thuần khiết như trước đây. Thậm chí, chúng ta không còn được thấy những ông đồ cho chữ thuần túy (miễn phí, không đòi hỏi nhận tiền công, tức tùy tấm lòng của người xin chữ) và gần như phải dùng đúng từ là “mua chữ”, với các mức giá cả không hề nhỏ.

Dẫu biết các ông đồ cũng cần tiền để duy trì đam mê, duy trì một nghề thư pháp vốn ít người học, thế nhưng tâm thức về một nét đẹp trong văn hóa truyền thống cũng ít nhiều bị phai nhạt đi ít nhiều…

ThS. NB Nguyễn Thành Luân

Top