Đối thoại gỡ khó vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại TPHCM
(Chinhphu.vn) - Ngày 30/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố" nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố". Ảnh: VGP/Lê Anh
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC chia sẻ: buổi đối thoại góp phần giải quyết thỏa đáng và kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách cũng như các quy định quản lý nhà nước, trong lĩnh vực ngân hàng. Góp phần thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 của thành phố "nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chánh, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại hội nghị, một vấn đề "nóng" được nhiều DN quan tâm đó là việc phải mua bảo hiểm khi vay tín dụng. Đại diện một doanh nghiệp phản ánh, có trường hợp, nhân viên ngân hàng chỉ đưa ra một lựa chọn cho doanh nghiệp, mua bảo hiểm mới được lãi suất ưu đãi, không mua thì phải chịu lãi suất cao hoặc không được giải ngân. Điều này sẽ gây khó khăn, tăng thêm chi phí cho DN, nhất là các DN và siêu nhỏ.
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho rằng nếu là bảo hiểm tín dụng cho khoản vay để phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và ngân hàng, yêu cầu khách hàng mua khi vay vốn là đúng. Doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cũng cần mua bảo hiểm này nhằm mục tiêu hạn chế rủi ro cho khoản vay.
"Riêng đối với bảo hiểm nhân thọ mà tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm, nếu "ép" khách hàng vay vốn là không được, quy định đã có và thậm chí có đường dây nóng phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Nếu bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hãy phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước", ông Lệnh khẳng định.
Được biết trước đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Số điện thoại đường dây nóng của NHNN gồm (024) 388266344, (024) 3936.1017 và email duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn để người dân và các cơ quan, doanh nghiệp phản ánh các vấn đề liên quan cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Bên cạnh vấn đề bảo hiểm, hội nghị lắng nghe thắc mắc và phản ánh hơn 30 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về điều chỉnh báo cáo về tình hình thực hiện khoản vay sau khi nộp trực tuyến, tiếp cận các nguồn vốn phù hợp với dự án mang tính chất tạo tác động xã hội, chính sách hỗ trợ vốn lưu động, chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp mới thành lập…
Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhấn mạnh, sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rất mạnh, từ đó tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với DN.
Riêng tại TPHCM hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho DN như: Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp (NH-DN); chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng)…

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM. Ảnh: VGP/Lê Anh
Đặc biệt, Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, đây là Chương trình hành động và giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng Thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Chương trình này do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM và các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức thực hiện. Theo đó, các ngân hàng thương mại đồng hành chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, tự nguyện giảm lãi suất, cho vay mới lãi suất phù hợp và tăng hạn mức tín dụng với 20 thương hiệu ngân hàng tham gia với Gói tín dụng đã đăng ký là 453.070 tỷ đồng.
Lê Anh