Đón khách quốc tế: Phải mở cánh cửa thật rộng và thật thoáng

14/03/2022 8:22 AM

(Chinhphu.vn) - Nếu chúng ta sẵn sàng mở cửa thì phải mở cánh cửa thật rộng và thật thoáng cho du khách cảm nhận sự thoải mái khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Đón khách quốc tế: Phải mở cánh cửa thật rộng và thật thoáng - Ảnh 1.

Có kế hoạch rõ ràng, cụ thể thì các doanh nghiệp lữ hành mới có thể chào bán tour đến khách hàng - Ảnh: Vietnam Airlines

Thời điểm 15/3 mở cửa du lịch quốc tế đã đến. Các doanh nghiệp trong ngành đang mang theo hy vọng về sự phục hồi sau hơn hai năm "đi lùi" vì dịch COVID-19. Thế nhưng ngay trước "giờ G" mở cửa đón khách, vẫn còn những rào cản, khó khăn. 

Chưa chào bán tour, chờ hướng dẫn

TST là một trong 5 doanh nghiệp được Sở Du lịch TPHCM xét duyệt tham gia thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình tour trọn gói từ 15/3. Thế nhưng đến nay doanh nghiệp chưa thể chào bán bất kỳ tour tuyến nào cho các đối tác quốc tế. "Đối tác ở hầu hết các thị trường đều quan tâm đến thông tin Việt Nam mở cửa cho du khách quốc tế nhưng chưa có chủ trương cuối cùng thì chúng tôi chưa thể giới thiệu gì cho khách hàng", ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông TST cho biết.

Ông Mẫn lấy ví dụ về mở tour ourbound, khi muốn đưa người Việt đến các điểm du lịch quốc tế thì doanh nghiệp trong nước cũng phải làm rõ với đối tác về chính sách nhập cảnh thời điểm này như thế nào, quy định cách ly, xét nghiệm ra sao… "Có thông tin rõ ràng thì mới chào bán tour đến khách hàng. Chưa có hướng dẫn cụ thể thì làm sao mình dám đưa khách đi", ông Mẫn nói.

Với BenThanh Tourist, từ trước dịch, doanh nghiệp đã ký với đối tác tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cung cấp dịch vụ cho du khách cao cấp. Khách hàng đang nóng lòng chờ thông tin để đưa du khách đến Việt Nam.

Tương tự, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel cho biết, doanh nghiệp đang tích cực kết nối với các đầu mối tại nước ngoài và phối hợp với đại sứ quán Việt Nam tại các thị trường trọng điểm để sẵn sàng cung cấp thông tin, chính sách nhập cảnh và sản phẩm du lịch khi có hướng dẫn chính thức của các cơ quan chức năng về đón khách quốc tế.

Hiện chưa có sự thống nhất trong quy định giám sát y tế với du khách nhập cảnh giữa Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong văn bản mới nhất, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung nội dung yêu cầu giám sát y tế đối với du khách quốc tế. Trong đó phải giám sát y tế bắt buộc trong 24 giờ tại cơ sở lưu trú, sau đó tiếp tục theo dõi 72 giờ kể từ khi nhập cảnh, khách không được rời khỏi nơi cư trú, đồng thời test COVID-19 liên tục trong vòng 3 ngày.

Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh. Bộ cũng đề nghị không thêm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi mở cửa du lịch trở lại; khôi phục chính sách thị thực như trước dịch…

Ông Thi Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm khách lẻ BenThanh Tourist cho rằng chúng ta phải xác định có thực sự muốn đón khách ở thời điểm này hay chưa. Nếu chúng ta sẵn sàng mở cửa thì phải mở cánh cửa thật rộng và thật thoáng cho du khách cảm nhận sự thoải mái khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp trong ngành du lịch mong muốn sớm thống nhất chủ trương, xem xét bỏ yêu cầu cách ly, vẫn duy trì xét nghiệm PCR nhưng giảm thiểu số lần xét nghiệm; không phân biệt cơ chế chính sách giữa khách quốc tế và khách nội địa; có sự nhất quán giữa các địa phương, không để xảy ra tình trạng mỗi địa phương một quy định về giám sát y tế với du khách…

Cuộc đua thu hút khách quốc tế

Theo các doanh nghiệp du lịch trong nước, phản hồi từ đối tác của các doanh nghiệp cho thấy khách quốc tế hiện không quan tâm quá nhiều đến dịch bệnh, bởi vì nước nào cũng có dịch, quan trọng là chủ trương của mỗi quốc gia trong phòng chống dịch.

Đến thời điểm này, các quốc gia trong khu vực đã chính thức thông báo lộ trình mở cửa cho du khách quốc tế với những chính sách thông thoáng hơn rất nhiều so với quy định hiện hành của Việt Nam.

Ví dụ, Malaysia không áp dụng quy định cách ly với du khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine COVID-19, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính bằng PCR được thực hiện trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành, hoặc xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ tính từ lúc nhập cảnh.

Phía TST cũng nhận được thông tin từ đối tác Indonesia cho thấy đất nước vạn đảo không yêu cầu cách ly với du khách quốc tế từ ngày 14/3, thay vào đó là áp dụng quy định xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh…

Hàn Quốc cũng đang chạy trước Nhật Bản trong cuộc đua thu hút khách quốc tế đến với quốc gia này vào mùa hoa anh đào năm nay. Ngay từ đầu tháng 3, Hàn Quốc đã đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra xét nghiệm với người nhập cảnh, yêu cầu xét nghiệm ở 3 giai đoạn trong vòng 1 tuần và du khách có thể tự khai báo thông tin dịch tễ qua QR code.

Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thu hút khách quốc tế, do vậy, cơ quan du lịch Hàn Quốc lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam về điều kiện đón khách để điều chỉnh chính sách.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia có chủ trương mở cửa từ rất sớm. Thái Lan và Singapore đã triển khai thử nghiệm nhiều mô hình trong hơn một năm vừa qua để đưa ra phương án tối ưu thu hút du khách quốc tế trong tình hình mới. Ngoài ra, chính sách nhập cảnh của các quốc gia trên được cập nhật hằng tuần một cách linh hoạt.

"Rõ ràng là các quốc gia đang có một cuộc đua để thu hút lại thị trường khách quốc tế. Do vậy chúng ta phải nhanh chóng thống nhất quan điểm trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, của Tổng cục Du lịch, cứ dùng dằng thì doanh nghiệp không biết làm theo hướng nào", Giám đốc Truyền thông TST Nguyễn Minh Mẫn đề nghị.

Theo ông Mẫn, việc xúc tiến thị trường du lịch quốc tế không giống thị trường nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành trong nước phải thông qua các đối tác ở từng quốc gia, khi có thông tin chính sách nhập cảnh thì phía đối tác mới bắt đầu chào bán sản phẩm, nhận khách và gửi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Không phải cứ nói có sản phẩm, nói mở cửa ngày trước thì ngày sau đã có khách. Nếu có chủ trương rõ ràng từ 15/3 thì phải 3-6 tháng nữa mới có du khách vào Việt Nam", ông Mẫn chia sẻ.

Với các quy định hiện tại, chúng ta không còn lợi thế cạnh tranh nào về chính sách nhập cảnh so với các nước trong khu vực. Và hiệu quả truyền thông cho chủ trương lớn của Chính phủ mở cửa đón du khách quốc tế từ 15/3 sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chủ động có sự cạnh tranh trực tiếp về chính sách với các nước thì khả năng thu hút lượng lớn khách quốc tế trở lại rất cao.

Cần chủ động sẵn sàng

Cho đến thời điểm này, các thành phố lớn đã sẵn sàng đón khách quốc tế, tất cả các điểm du lịch, chương trình tour, điểm tham quan đã ở trạng thái sẵn sàng.

Nhưng với bài toán nhân sự, các địa phương vẫn đang lúng túng, nhất là các cơ sở dịch vụ lưu trú. Vừa qua lượng khách nội địa chưa thực sự ổn định. Một vài nơi thu hút khách vào các dịp cao điểm nhưng ngày thường vắng khách, dịch vụ chưa đạt được trạng thái ổn định như trước dịch. Cần sớm giải quyết vấn đề trên, nhất là tại các khu vực trọng điểm có thể thu hút khách trong thời gian tới, đó là hướng từ Hà Nội đi Đông Bắc và Tây Bắc, khu vực miền Trung có Đà Nẵng và Nha Trang, phía nam có TPHCM kết nối đi Phú Quốc. Các địa phương trọng điểm càng cần củng cố nhân lực du lịch, dịch vụ.

Nhân sự sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, thậm chí, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự quay lưng của du khách nếu chất lượng dịch vụ kém.

Như tính toán của các doanh nghiệp lữ hành, khi mở cửa từ ngày 15/3 thì phải ít nhất 3 tháng nữa mới có khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là cơ hội cho ngành du lịch hoàn thiện nhân sự, bổ sung lực lượng và đào tạo lại sau thời gian đứt quãng.

Nhìn trên bình diện chung thì các điểm đến ở khu vực phía nam đang thích ứng với COVID-19, nhịp sống trở lại bình thường. Người dân đã hình thành ý thức, nền tảng phòng dịch, trở thành thói quen.

Điểm thuận lợi nữa là Tổ chức Y tế Thế giới đang xem xét thời điểm phù hợp công bố chấm dứt đại dịch. Khi đó COVID-19 sẽ là một bệnh thông thường, tạo điều kiện thuận tiện cho các nước mở cửa giao thương.

Do đó, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị để sẵn sàng đón khách, tìm cơ hội tiếp cận nguồn khách sớm, chủ động đón bắt sự bùng nổ về nhu cầu của du khách. Và ngoài việc các doanh nghiệp lữ hành tìm kiếm nguồn khách thì các cơ quan tham tán, đại sứ quán Việt Nam tại các nước cũng phải vào cuộc cập nhật thông tin, có tư vấn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp cận sớm các thị trường nguồn.

Băng Tâm

Top