Đồng chí Trần Văn Giàu - dấu ấn một nhân cách
(Chinhphu.vn) - Sáng 15/9, nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đồng chí Trần Văn Giàu (11/9/1911 - 11/9/2016), Thành ủy TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đồng chí Trần Văn Giàu – Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học - dấu ấn một nhân cách”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Dự tọa đàm có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND Thành Phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng gần 300 đại biểu là các đồng chí nguyên lãnh đạo TPHCM và các tỉnh phía Nam, các nhà khoa học, học giả tên tuổi trên cả nước.
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam mãi khắc ghi tên tuổi những chiến sỹ cộng sản, những người lãnh đạo hội đủ tài năng, đức độ, bản lĩnh và trí tuệ. Một trong số đó là đồng chí Trần Văn Giàu – Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.
Điểm lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Văn Giàu, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, đồng chí Trần Văn Giàu, hay còn gọi là bác Sáu Giàu, sinh ngày 11/9/1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An).
Từ thủa thiếu thời, đồng chí Trần Văn Giàu đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước tại Sài Gòn và ngay trên đất Pháp. Nổi bật là việc tham gia cuộc biểu tình trước Dinh Tổng thống Pháp, yêu cầu hủy án tử hình đối với Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học cùng các chiến sỹ tham gia khởi nghĩa Yên Bái.
Trở về Việt Nam, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và là một trong những người tích cực tham gia gây dựng tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ. Giai đoạn sau này, khi được tổ chức tin tưởng bầu làm Bí thư Xứ ủy, đồng chí đã trực tiếp dẫn dắt nhân dân Nam bộ tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.
Bên cạnh những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Trần Văn Giàu cũng là người có công đối với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học lịch sử của đất nước. Sau hai cuộc kháng chiến, ngày thống nhất ông trở lại TPHCM với vai trò một nhà giáo, nhà khoa học, góp phần đào tạo nên những nhà sử học mác-xít đầu tiên của đất nước, trong đó không ít người sau này đã trở thành nhà sử học tên tuổi của Việt Nam.
Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Nói về những đóng góp của đồng chí Trần Văn Giàu, hơn 130 tham luận của các học giả tên tuổi như: Phan Huy Lê, Tạ Ngọc Tấn, Vũ Quang Đạo, Võ Văn Sen, Hà Minh Hồng, Mai Quốc Liên, Phan Xuân Biên… gửi đến buổi tọa đàm đều bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của một nhà cách mạng, nhà giáo và nhà khoa học lỗi lạc.
Những học giả nói trên, tất cả đều tự hào nhận mình là học trò, là thế hệ đi sau của thầy giáo Trần Văn Giàu. Qua các bài tham luận, họ nhắc lại những mẩu chuyện, dấu ấn lịch sử của đồng chí Trần Văn Giàu ở Sài Gòn những tháng năm lịch sử: Từ lúc ông còn theo học ở Sài Gòn, đến khi trở thành lãnh đạo có biệt tài hùng biện dẫn dắt nhân dân Nam bộ khởi nghĩa, từng đứng trên lễ đài tuyên bố độc lập mới vừa 34 tuổi.
Một số khác lại đề cập đến nỗi niềm của nhà giáo Trần Văn Giàu đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước: Ông đau đáu với việc viết lại bộ sử Việt Nam, là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu, rồi đến việc ông gửi tặng tủ sách của mình làm thư viện, hay việc ông bán cả ngôi nhà của mình để lấy nghìn lượng vàng gây quỹ trao cho các công trình nghiên cứu lịch sử miền Nam…
Hơn 130 tham luận đều khẳng định dấu ấn của đồng chí Trần Văn Giàu với lịch sử Nam bộ là không thể phai mờ. Cuộc đời và sự nghiệp gần một thế kỷ của ông đã trở thành huyền thoại. Huyền thoại về một nhân cách, bản lĩnh sống, huyền thoại về tính kiên định cách mạng và một trái tim trung thực, trong sáng, luôn luôn nghĩ đến những việc ích nước, lợi dân.
Và, đó cũng là ý kiến khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang trước khi kết thúc buổi tọa đàm. Theo ông Tất Thành Cang, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tên tuổi đồng chí Trần Văn Giàu luôn là sự khẳng định về uy tín của một người chính trực, thể hiện sâu sắc tinh thần cách mạng cao quý, kiên định.
Sống trọn một thế kỷ, đồng chí Trần Văn Giàu đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do và phồn vinh của đất nước, qua đó trở thành biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng về cuộc đời và sự nghiệp của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà giáo mẫu mực và nhà khoa học uyên bác.
Tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Trần Văn Giàu, các thế hệ TPHCM hôm nay quyết tâm học tập và phát huy giá trị lịch sử, ý thức tự giác phấn đấu, rèn luyện đạo đức, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để góp phần xây dựng đất nước, xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phan Hoàng