Đông Nam Bộ: Điểm đến đầu tư hấp dẫn
(Chinhphu.vn) - Khu vực Đông Nam Bộ đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng đổi mới công nghệ và phát triển theo hướng xanh, bền vững nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, trong tương lai gần, tuyến Vành đai 4 kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai sẽ tạo hành lang kinh tế và khu mậu dịch tự do gắn với các cụm cảng, khu công nghiệp (KCN) và logistics. Đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp khu vực Đông Nam Bộ duy trì động lực tăng trưởng, là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bài 1: Chuyển đổi xanh để hút dòng vốn FDI chất lượng cao
Đông Nam Bộ, với vị thế là một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước, đang chứng kiến sự khởi sắc mạnh mẽ trong thu hút đầu tư. Những tín hiệu tích cực trong quý đầu năm 2025 cho thấy khu vực này tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm công nghiệp – dịch vụ và là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khu vực Đông Nam Bộ, đẩy mạnh chuyển đổi xanh các KCN để hút dòng vốn FDI chất lượng cao
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Bộ đạt hơn 4,2 tỷ USD trong quý I năm 2025, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục là ba địa phương dẫn đầu về lượng vốn FDI đổ vào, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ cao, chế biến – chế tạo và logistics.
Môi trường kinh doanh thuận lợi
Sau giai đoạn chịu nhiều tác động từ đại dịch và suy giảm kinh tế toàn cầu, khu vực Đông Nam Bộ đang có những bước phục hồi ấn tượng, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố then chốt khiến Đông Nam Bộ trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu chính là môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách hỗ trợ đầu tư linh hoạt. Chính quyền các địa phương luôn chủ động trong việc cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, hiện nay, các địa phương cũng đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Năm 2024, Bình Dương đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vươn lên đứng thứ 2 cả nước. Bước sang năm 2025, Bình Dương tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh thu hút được hơn 737 triệu USD, tăng 271% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã triển khai các giải pháp đột phá để đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Tỉnh luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách và tăng cường kết nối quốc tế.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách và tăng cường kết nối quốc tế. Ảnh: VGP/Lê Anh
Các dự án đầu tư vào Bình Dương những năm gần đây, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, chế biến chế tạo, logistics, bất động sản và dịch vụ phụ trợ. Lũy kế đến nay, tổng số vốn thu hút được của tỉnh trong 25 năm (từ khi tái lập tỉnh) lên gần 4.300 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, sau TPHCM và Hà Nội…
Cũng như Bình Dương, những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai kiên định theo đuổi mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, đặt chất lượng lên hàng đầu thay vì chạy theo số lượng. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng luôn đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách hỗ trợ đầu tư linh hoạt với các nhà đầu tư.
Trong năm 2024, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được khoảng 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt gần 1,16 tỷ USD, tăng hơn 68,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉnh cấp mới 41 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 454 triệu USD và 45 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung hơn 701 triệu USD. Ngoài ra, hàng trăm triệu USD vốn góp cổ phần cũng đã được các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào tỉnh Đồng Nai.
Đón đầu làn sóng đầu tư mới
Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho hay phần lớn dòng vốn này tập trung vào các ngành nghề ưu tiên mời gọi theo định hướng thu hút FDI công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng lớn như: Công nghiệp hỗ trợ, bán dẫn, điện tử, chế biến nông sản...
Theo xu hướng phát triển bền vững, từ năm 2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã tham gia Dự án triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Đơn cử như Khu công nghiệp Amata đã được lựa chọn để chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Hiện nay, Đồng Nai đang "chạy đua" trong việc hoàn thành 4 KCN mới hiện đại, theo hướng xanh, phát triển bền vững (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024), để có nguồn quỹ đất khoảng 2.500 ha mời gọi các nhà đầu tư.
Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM, nhiều DN Nhật Bản nhận định, với những lợi thế về vị trí, quy mô đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, trong tương lai, Đồng Nai sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư về các lĩnh vực dịch vụ, đô thị, logistics…

KCN Amata ( Đồng Nai) hướng đến mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Theo Chi cục Thống kê Đồng Nai, đến nay, Đồng Nai thu hút 285 dự án có vốn đầu tư từ các DN Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6 tỷ USD. Nhật Bản trở thành quốc gia đứng thứ 2 về số dự án và đứng thứ 3 về tổng vốn đầu tư FDI vào Đồng Nai.
Cùng với sự khởi sắc chung của khu vực Đông Nam Bộ trong thu hút FDI, những tháng đầu năm 2025, TPHCM cũng có nhiều tín hiệu tích cực.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, Thành phố thu hút được gần 1,5 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Mai, để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới, TPHCM xác định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thinh, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết Hepza sẽ bám sát các nhà đầu tư tiềm năng để mời gọi đầu tư theo cơ chế thu hút đặc biệt đã được Quốc hội thông qua.
Hiện Hepza đang phối hợp các công ty hạ tầng thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) gồm: Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu, với định hướng chuyển sang khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và trung tâm logistics. Bên cạnh đó, Hepza đang rà soát và phát triển quỹ đất mới, với mục tiêu mở rộng thêm khoảng 1.000 ha trong vòng 3 năm tới.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, trong bối cảnh TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị hợp nhất, đây là thời gian bắt đầu chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, kinh doanh mới.
Theo các chuyên gia, trong tương lai gần, tuyến Vành đai 4 kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với TPHCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai sẽ hình thành một hành lang vận tải hàng hóa tốc độ cao, giúp liên kết các trung tâm công nghiệp, đô thị, cảng biển và sân bay của toàn vùng. Hành lang này giúp tối ưu chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Lê Anh
(Còn tiếp)