Đưa trái cây Việt vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập

19/07/2025 9:40 AM

(Chinhphu.vn) - Chanh dây, chuối, dứa và dừa được xác định là 4 loại trái cây có lợi thế lớn trong chiến lược phát triển xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu, cần đồng bộ các giải pháp từ vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Đưa trái cây Việt vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành hàng, nâng cấp chuỗi giá trị và đưa trái cây Việt vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập - Ảnh: VGP/Lê Tuấn

Ngày 18/7 tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp với Báo Nông Nghiệp & Môi Trường tổ chức Diễn đàn "Giải pháp tăng cường sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa". Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo bộ, ngành trung ương và địa phương cùng hơn 200 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhận diện 4 mặt hàng còn nhiều dư địa xuất khẩu lớn

Theo các chuyên gia, chanh dây, chuối, dứa và dừa được xác định là 4 loại trái cây có lợi thế lớn trong chiến lược phát triển xuất khẩu của Việt Nam.

Về chanh dây, hiện cả nước có hơn 12.000 ha, sản lượng hàng năm hơn 200 nghìn tấn. Việt Nam hiện nằm trong top 10 các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu các sản phẩm chanh dây đã thu về 89,5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Đối với mặt hàng dứa, hiện cả nước có hơn 52,5 nghìn ha. Dự kiến, sản lượng dứa của Việt Nam sẽ đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Các sản phẩm từ dứa của Việt Nam đã xuất sang các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia…

Mặt hàng dừa, Việt Nam hiện có hơn 202.000 ha diện tích trồng dừa, sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 2,28 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ 5 về xuất khẩu dừa. Năm 2024, dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD (trong đó, dừa tươi đạt 391 triệu USD). Ngoài Trung Quốc, dừa Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc… và liên tục được mở rộng thị trường.

Về chuối, tính đến tháng 6 năm 2025 Việt Nam có khoảng 161.100 ha diện tích trồng chuối với năng suất bình quân vào khoảng 207 tạ/ha. Giá trị xuất khẩu chuối của Việt Nam năm 2024 đạt 380 triệu USD. Hiện Việt Nam đứng thứ chín trong danh sách các quốc gia xuất khẩu chuối trên thế giới. Các sản phẩm từ chuối của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada, Nga, EU và Hoa Kỳ…

Theo lãnh đạo Bộ NN&MT, trong tổng thể Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, Bộ NN&MT đã định hướng phát triển chuối, dứa, dừa và chanh dây. Cụ thể, với cây chuối, ổn định diện tích 165 -175 nghìn ha. Với cây dứa, duy trì 55- 60 nghìn ha, nâng cao năng suất, ổn định nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Với chanh dây, phát triển diện tích lên 12-15 nghìn ha, sản lượng 250 - 300 nghìn tấn. Trong khi đó, với dừa, ổn định 195-210 nghìn ha, tập trung tại ĐBSCL và Nam Trung Bộ.

Đưa trái cây Việt vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập- Ảnh 2.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp chia sẻ về các giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt - Ảnh: VGP/Lê Tuấn

Xây dựng thương hiệu, chế biến sâu còn hạn chế

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ NN&MT nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng nông sản, đặc biệt là Nghị định 05/2025 (thay thế Nghị định 08/2022/NĐ-CP) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành chế biến và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế trong khâu thực hiện như thiếu đồng bộ dữ liệu vùng trồng, hạn chế về năng lực kỹ thuật, nguồn lực đầu tư còn phân tán, công nghệ chế biến, bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Theo ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, muốn xuất khẩu tốt, phải minh bạch chuỗi giá trị. Mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần là một mắt xích liên kết chặt chẽ

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm cho rằng, mỗi giai đoạn sản xuất, từ chọn giống, quản lý vùng trồng đến xử lý sau thu hoạch đều được xác định rõ mục tiêu, có tiêu chí đánh giá cụ thể và điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Từ đó, người trồng không chỉ sản xuất để bán mà còn tham gia vào chuỗi giá trị dài hơn, nơi chất lượng và sự ổn định là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu chuối Việt.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh vai trò của số hóa trong truy xuất nguồn gốc và giám sát chất lượng nông sản. Đồng thời, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, UKVFTA được xác định là động lực mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Nâng cấp chuỗi giá trị nông sản Việt, đa dạng thị trường

Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Để tăng cường sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế, Bộ NN&MT xác định rõ phương hướng sắp tới là đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành hàng, nâng cấp chuỗi giá trị và đưa trái cây Việt vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập.

Cụ thể, phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch tập trung, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến; tăng cường công tác giống, kỹ thuật canh tác và giảm chi phí đầu vào.

Đồng thời, tổ chức lại chuỗi liên kết, nâng cao vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp đầu chuỗi. Cụ thể, các đơn vị cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật cho trái cây xuất khẩu; đẩy mạnh khâu chế biến trái cây nhằm nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro tính mùa vụ như xuất khẩu tươi.

Cùng với đó, Bộ NN&MT sẽ đồng hành cùng các DN, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho các loại trái cây chủ lực như chanh dây, dứa, chuối, dừa nhằm mở rộng thị phần và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Về phía các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam đề nghị cần thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về mã số vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch; đăng ký mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường theo quy định. Phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội Rau quả Việt Nam xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho các trái cây chủ lực.

Đối với Hiệp hội rau quả Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường mục tiêu để có chiến lược trồng trọt, xây dựng mã số vùng trồng cho các trái cây theo từng thị trường xuất khẩu.

Lê Anh - Lê Tuấn

Top